Hiệp định Pari – mốc son trên mặt trận ngoại giao

Kỷ niệm 49 năm Hiệp định Pari (27/1/1973 – 27/1/2022)
Thứ năm, 27/01/2022 08:00
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Hiệp định Pari về Việt Nam là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của quân và dân ta, thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Sự kiện này tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam, đưa đến gần hơn sự kiện trọng đại của đất nước – Đại thắng mùa xuân 1975.

Trong thời gian khoảng 5 năm (từ 1968-1973). Hiệp định Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Trong các phiên họp chung công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam không bỏ qua bất cứ vấn đề quan trọng nào có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nhưng tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai vấn đề mấu chốt nhất là đòi rút hết quân Mỹ và quân 5 nước thân Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khỏi miền Nam, đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Phía Mỹ trước sau vẫn nêu quan điểm “có đi có lại”, đòi hai bên (cả quân đội miền Bắc có tại miền Nam) “cùng rút quân” và từ chối ký dự thảo Hiệp định do phía Việt Nam đưa ra (tháng 10/1972) để rồi mở cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội - Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 với ý đồ buộc phía Việt Nam ký vào dự thảo Hiệp định do họ đưa ra.

Hội nghị Pari về Việt Nam (ảnh tư liệu) 

Về phía ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris đã phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận chính trị, quân sự, phát huy thắng lợi trên các chiến trường, giữ vững thế chủ động trong đàm phán, liên tục tiến công. Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, các hoạt động tranh thủ dư luận quốc tế tại Hội nghị Paris làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa sáng ngời của cuộc chiến tranh giải phóng và thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam; vạch trần những thủ đoạn, mưu đồ đen tối, tính chất phi nghĩa, tàn bạo của cuộc chiến tranh xâm lược của địch, đã góp phần quan trọng tạo nên Phong trào nhân dân thế giới rộng lớn chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam - một Phong trào mang tính lịch sử và thời đại, tiêu biểu cho lương tri của loài người, đã tác động rất lớn tới dư luận tiến bộ Mỹ, thúc đẩy sự lớn mạnh của phong trào phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ.

Cuối cùng, ngày 22/1/1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Pari) Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kitxinhgiơ ký tắt. Ngày 27/1/1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên.

Bản Hiệp định Pari về Việt Nam gồm 9 chương, 23 điều với những nội dung chủ yếu: 

Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.

Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua Tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ. Việc thống nhất nước Việt Nam được thực hiện bằng phương pháp hòa bình.

Ngay sau đó, các điều khoản của Hiệp định được thực hiện. Ngày 28/1/1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam.

Ngày 31/1/1973, Tổng thống Nichxơn gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 2/3/1973, ký Định ước Pari về Việt Nam.

Ngày 29/3/1973, Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Đơn vị cuối cùng của quân đội viễn chinh Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, tạo bước ngoặt để chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc tập, dân chủ, tự do. Đây cũng là bài học quý giá trong công tác đối ngoại của ta trong công cuộc hội nhập quốc tế.

 Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam chứng kiến Lễ ký kết Hiệp định EVFTA và EVIPA với Liên minh Châu Âu 

Ngày nay, trong công cuộc hội nhập quốc tế, chúng ta vận dụng sáng tạo bài học quý giá này để ký kết nhiều văn bản quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự… góp phần vào sự phát triển của đất nước. Qua đó, thể hiện được được vị thế, uy tín và trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện quan điểm nhất quán của ta là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; thể hiện quyết tâm thực hiện quan điểm của Đảng ta “Gắn kết chặt chẽ đối ngoại với quốc phòng, an ninh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng, đi vào chiều sâu, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn. Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương, thực hiện tốt các trọng trách quốc tế”; nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đối ngoại và hợp tác quốc tế: “Nâng cao năng lực hội nhập, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc quốc tế, các hiệp định thương mại tự do; lồng ghép với các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội. Phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực