Hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai chống tham nhũng, lãng phí

Thứ hai, 28/06/2021 19:24
(ĐCSVN) - Những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai cũng như sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định giữa Luật đất đai 2013 với các hướng dẫn thi hành luật và với một số luật khác đã dẫn đến sự lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân và tổ chức lợi dụng để tham nhũng; trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.

Sáng 28/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo “Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai”.

Các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Hiến pháp năm 2013 khẳng định đất đai là tài nguyên đặc biệt của Quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.

Tại Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại” đánh giá sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, đã nêu rõ: “Tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn”.

leftcenterrightdel
Đồng chí Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo  phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: TH.

Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, tại Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” cũng đã chỉ rõ tồn tại như: Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật đất đai còn diễn ra phổ biến, phức tạp; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chưa được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm kịp thời, xử lý dứt điểm.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định những nội dung quan trọng trong lĩnh vực này, cụ thể như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; kịp thời phát hiện xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan tới đất đai.

Để có thêm cơ sở góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước về vấn đề quan trọng này, Ban Kinh tế Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao thống nhất tổ chức Hội thảo “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI: “Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai”.

Tại Hội thảo, các tham luận và ý kiến phát biểu thảo luận cho thấy đất đai là vấn đề phức tạp, có liên quan chặt chẽ đến đời sống của người dân và có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Mặc dù có xu hướng giảm nhưng trong giai đoạn 2013 đến nay, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020. Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án Toà án nhân dân tối cao thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (trong đó, số vụ đã giải quyết chiếm 83,49%). Các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, trong đó có cả cán bộ có chức vụ cao, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và niềm tin của xã hội đối với Đảng và Nhà nước.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai là do còn có những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai cũng như sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định giữa Luật đất đai 2013 với các hướng dẫn thi hành luật và với một số luật khác (Bộ Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…). Điều này dẫn đến sự lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân và tổ chức lợi dụng để tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Thêm vào đó là năng lực của bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai còn chưa cao, nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai còn sơ sài, thiếu thống nhất…

Trên cơ sở phân tích những hạn chế và bất cập của chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là Luật Đất đai năm 2013 từ thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực tư pháp (công tác kiểm toán, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai; giải quyết các vụ án hành chính, vụ án hình sự về đất đai thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương quản lý; thực tiễn điều tra, truy tố các vụ án về đất đai), các ý kiến đã đề xuất các nội dung nhằm đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này thời gian tới.

leftcenterrightdel

 Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao 

phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TH.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai. Hội thảo ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm từ hoạt động tư pháp, trên cơ sở đó kiến nghị với Trung ương những nội dung liên quan đến hoạt động tư pháp trong lĩnh vực đất đai, phục vụ Tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, định hướng cho việc sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Đối với việc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật đất đai, đồng chí Nguyễn Hòa Bình lưu ý, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật chủ đạo là Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan, đảm bảo yêu cầu đơn giản, tiện ích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi; đồng bộ thống nhất với hiến pháp, với các đạo luật, khắc phục xung đột, chồng chéo; bổ sung những khoảng trống chưa được điều chỉnh như các ý kiến đã nêu. Luật Đất đai phải tạo ra hành lang pháp lý chống được vi phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, đấu giá, đấu thầu..., phải đảm bảo quyền, lợi ích người dân theo nguyên tắc thị trường.

Tổ chức các luật hiện hành đặc biệt thực thi Luật Đất đai nghiêm chỉnh hơn, tránh dự án giao rồi thành dự án treo làm lãng phí nguồn lực; tăng cường thanh tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm, tội phạm. Nghiên cứu, tổ chức lại các cơ quan thực thi pháp luật về đất đai một cách chuyên nghiệp hơn, đồng bộ hơn trong đó có Tòa án về đất đai, cơ quan Thanh tra về đất đai. Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai: về đăng ký tài sản, cơ sở dữ liệu quốc gia, kiểm soát tài sản.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực