Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6
Ngày 31/3/2018, Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ sáu đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham dự của Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít, Phó Tổng thống Mi-an-ma Hen-ri Van Thi-ô, Thủ tướng Thái Lan Phờ-ra-út Chan-ô-cha, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Ta-kê-hi-cô Na-ka-ô.
Tham dự Hội nghị còn có Tổng thư ký ASEAN và Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB) với tư cách khách mời đặc biệt của Chủ tịch hội nghị. Đông đảo đại diện đối tác phát triển, khu vực doanh nghiệp cũng được mời tham dự phiên họp toàn thể của Hội nghị.
Với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, Xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, Hội nghị đã nhìn lại chặng đường 25 năm hợp tác của GMS và thảo luận về những cơ hội và thách thức mà khu vực GMS phải đối mặt cũng như các định hướng lớn cho hợp tác GMS trong thời gian tới.
Hội nghị đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà hợp tác GMS đã đạt được trong 25 năm qua trên cơ sở triển khai chiến lược 3C “Kết nối, Cạnh tranh và Cộng đồng”. Quy mô hợp tác đạt hơn 21 tỷ USD với hàng trăm dự án trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là hợp tác kết nối với việc xây dựng mới và nâng cấp nhiều sân bay, 80 cây cầu, 10.000 km đường bộ, 500 km đường sắt, và 3000 km đường dây truyền tải điện. GMS cũng là cơ chế hợp tác đi đầu thúc đẩy việc xây dựng các tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông Tây, Bắc Nam và ven biển phía Nam. Các lĩnh vực hợp tác khác như thuận lợi hoá thương mại, nông nghiệp, môi trường đều đạt những kết quả đáng khích lệ. Tiểu vùng Mê Công mở rộng hiện đã là một khu vực năng động, hội nhập và có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ cảm ơn đối với sự hỗ trợ hiệu quả của ADB trong vai trò Ban Thư ký của cơ chế hợp tác, giúp các nước thành viên huy động lượng vốn rất lớn phục vụ cho các dự án hợp tác.
Về định hướng hợp tác trong 5 năm tới, Hội nghị thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội giai đoạn 2018-2022 và Khung đầu tư khu vực vùng 2022 nhằm làm rõ hơn các trọng tâm hợp tác, thực hiện những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm hợp tác GMS trong trung hạn đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước thành viên. Khung đầu tư khu vực 2022 bao gồm 227 dự án với tổng kinh phí lên gần 66 tỷ USD.
Hộị nghị đã ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhất trí khởi động quá trình xây dựng tầm nhìn dài hạn sau 2022 cho hợp tác GMS nhằm giúp các quốc gia thành viên thực hiện thành công Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với thách thức chung của khu vực, và bảo đảm hợp tác GMS kịp thời đổi mới để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của các nước thành viên trong tình hình mới.
Các đại biểu tham dự hội nghị GMS lần thứ 6
Tại Hội nghị, nội dung hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước cũng được các nhà Lãnh đạo thảo luận. Hội nghị nhất trí thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững, thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và tăng cường hợp tác về sử dụng bền vững và cùng quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua hợp tác xuyên biên giới và các nỗ lực chung nhằm đạt an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, các nhà Lãnh đạo cũng đã ghi nhận chiến lược hợp tác ngành trên các lĩnh vực giao thông, du lịch, nông nghiệp và môi trường, báo cáo kết quả 25 năm hợp tác GMS, báo cáo hợp tác thương mại điện tử GMS.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hợp tác GMS là cơ chế đầu tiên được thành lập nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại khu vực Mê Công và khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác GMS vì hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững tại khu vực. Trong 25 năm qua, hợp tác GMS đã không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định được bản sắc riêng là một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín với chiến lược 3C “Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh”.
Trên cơ sở đánh giá những bài học kinh nghiệm từ 25 năm hợp tác GMS, nhìn nhận những cơ hội và thách thức đối với khu vực GMS, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất một số hướng hợp tác lớn của GMS thời gian tới, bao gồm: (i) Phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt giữa các nước GMS và giữa GMS với các khu vực bên ngoài thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng “chất lượng, xanh và thông minh”, phát huy tối đa hình thức kết nối đa phương thức và chú trọng kết nối thông tin – viễn thông và năng lượng; (ii) Thúc đẩy “kết nối tương hỗ” về thương mại – đầu tư, đặc biệt là kết nối giữa các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm nông lâm thuỷ sản; (iii) Hỗ trợ các nước thành viên xây dựng và thực hiện chính sách thúc đẩy sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ cao; thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng khu vực; nâng cao năng lực tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường cho nông sản sạch; kết nối doanh nghiệp và nông dân; (iv) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực;
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh GMS phải thực sự là một cộng đồng cùng chung lợi ích, cùng nhau ứng phó, giải quyết các thách thức chung; hợp tác hướng tới cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; ưu tiên triển khai hiệu quả Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030, Hiệp định COP21 Pa-ri về biến đổi khí hậu, và hợp tác về quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hợp tác GMS cũng cần tiếp tục là khuôn khổ để 6 nước tăng cường hiểu biết, nâng cao niềm tin và sự gắn kết giữa các nước thành viên. GMS cũng cần phát huy cơ chế hợp tác mở với sự tham gia của quốc gia, các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các nước.
Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên của hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây).
Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng có mục tiêu dài hạn thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa Tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh, thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Khác với hợp tác trong các khuôn khổ đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) dựa trên các hiệp định, hợp tác GMS chủ yếu dựa trên các dự án cụ thể về kết nối giao thông và hành lang kinh tế. Chiến lược hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng về cơ bản dựa trên 3 trụ cột, hay còn gọi là 3“C”: Kết nối hạ tầng (Connectivity), Tăng cường khả năng cạnh tranh (Competitiveness), Kết nối cộng đồng (Community) trên các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục. |