ĐB Đỗ Văn Đương phát biểu tại Hội trường Quốc hội, sáng 29/3 (Ảnh: KT)
Đề cập đến tình trạng bộ máy nhà nước, kể cả biên chế của các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách nhà nước không giảm mà "phình" ra, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, nguyên nhân trước hết là do chính các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước. “Riêng thực hiện luật Tổ chức chính quyền địa phương thì ước tính tăng thêm 22 nghìn biên chế hoạt động ở HĐND các cấp” – ĐB dẫn chứng.
Theo ĐB, cũng có nguyên nhân về tổ chức thực hiện, bởi theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thì hàng năm chỉ có 1% cán bộ bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ nên không giảm được biên chế.
Từ thực tế trên, ĐB nhấn mạnh, phải cắt giảm bộ máy bằng luật pháp. Tiếp đó, phải nhất thể hóa một số chức danh giữa Đảng với chính quyền để nói đi đôi với làm, tránh nói một đằng làm một nẻo. “Tôi không sợ quyền lực tập trung một người mà chỉ sợ nói không đi đôi với làm và sợ trách nhiệm” – ĐB nói.
Theo ĐB, cũng nên giảm bớt các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức đoàn thể hoạt động từ ngân sách nhà nước, bằng cách hợp nhất hóa lại để bớt các tầng lớp cán bộ trung gian, cán bộ phong trào mà trực tiếp làm ra sản phẩm, không làm thì thôi chứ đừng dựa dẫm, ăn bám Nhà nước.
Một vấn đề khác được ĐB đề cập là tình trạng chạy chức, chạy quyền. “Dư luận cứ râm ran có tình trạng chạy chức, chạy quyền. Vì sao mà người ta lại thích chạy, vì sao lại chạy được? Đây là câu hỏi rất lớn mà trong nhiều nhiệm kỳ qua cho đến nay, cử tri cả nước vẫn băn khoăn chưa có lời giải đáp” – ĐB nêu.
ĐB cho rằng, nạn chạy chức, quyền tạo ra bất công rất lớn. Cũng theo ĐB, ở đây có cách nhìn nhận đánh giá về đạo đức cán bộ. “Chúng ta nặng về đánh giá đạo đức chung chung, mà đạo đức chung thì cũng có dăm ba bảy đường. Trong đầu người ta nghĩ gì không biết được, những hành vi ngầm thì cũng không phát hiện được” – ĐB phát biểu.
Theo ĐB, đối với đánh giá công chức thì cái nhìn thấy ngay được là sản phẩm công vụ, sự tận tụy, cống hiến; đồng thời không nên đánh giá cào bằng giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp, không nên đánh giá chung chung. “Trong báo cáo của chính phủ, cần đánh giá cán bộ có cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong báo cáo của Chánh án cũng nên đánh giá đạo đức của Thẩm phán đã công minh, chính trực, khách quan, thận trọng chưa? Còn đánh giá đạo đức đại biểu Quốc hội phải đánh giá đã thực sự gần dân, hiểu dân, thương dân, đã dám nói và bảo vệ quyền lợi người dân chưa?” – ĐB nói.
Từ đó, ĐB cho rằng, phải có nhìn nhận, đánh giá lại có việc chạy chức, chạy quyền hay không? Bởi nó không chỉ tạo bất công lớn mà còn "đẻ" ra tham nhũng.
“Giờ cứ nói đây là vấn đề nhạy cảm phức tạp, nhưng nhạy cảm, phức tạp cũng phải làm vì nó nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ...” – ĐB phân tích.
Theo ĐB, “chỉ Bộ Chính trị mới giải đáp được câu hỏi này và chính Bộ Chính trị mới đưa ra được những quyết sách để tấn công vấn nạn này giống như tấn công tội phạm”./.