IEA hối thúc OPEC+ hành động để giúp hạ giá dầu

Thứ năm, 25/11/2021 10:50
(ĐCSVN) - Ngày 24/11, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol đã kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) hành động nhiều hơn nữa nhằm giúp hạ giá dầu đang tăng cao.
 Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol. (Ảnh: Daily News)

Phát biểu với báo giới, ông Birol cho biết ông hi vọng tại cuộc họp chính sách diễn ra hôm 2/12 tới đây, OPEC+ sẽ có bước đi cần thiết để làm dịu thị trường dầu mỏ cũng như giúp “hạ nhiệt” giá dầu.

Người đứng đầu IEA cho biết, Nga có thể “dễ dàng” tăng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu khoảng 15% nhằm làm dịu các áp lực về nguồn cung cũng như giúp hạ giá dầu tại thị trường này.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar cho hay OPEC+ đang theo dõi xem các thị trường dầu mỏ có cân bằng hay không để đưa ra các quyết định trong cuộc họp sắp tới.

Phát biểu với các phóng viên trong một sự kiện về năng lượng tại Baghdad, Bộ trưởng Ihsan Abdul Jabbar nói rằng OPEC+ hướng tới mục tiêu cân bằng các thị trường dầu mỏ bằng cách tăng dần sản lượng. Ông cũng cho biết thêm tổng lượng dầu xuất khẩu của Iraq ước đạt 3,2 triệu thùng trong tháng 11 này.

Theo ông Ihsan Abdul-Jabbar Ismail, xuất khẩu dầu của Iraq sẽ đạt khoảng 3,4 triệu thùng/ngày trong quý I/2022. Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq nhấn mạnh, 3,4 triệu thùng/ngày là hạn ngạch của Iraq xuất ra thị trường thế giới theo thỏa thuận của OPEC+, đồng thời nhấn mạnh "Iraq sẽ không vượt quá hạn ngạch này”.

Theo ông Ismail, “mục tiêu của OPEC+ là ngăn chặn giá dầu lao dốc hay tăng giá mạnh và hướng đến sự ổn định về giá dầu”.

Trước đó, ngày 23/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định nước này sẽ xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược – đợt xả kho lớn nhất lịch sử Mỹ trong nỗ lực phối hợp với các quốc gia tiêu thụ năng lượng chủ chốt khác gồm, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh nhằm hạ nhiệt giá dầu đang tăng cao.

Quyết định của Mỹ đưa ra trong bối cảnh OPEC+ đã nhất trí tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng dầu thô ở thời điểm hiện tại. Động thái này được OPEC+ đưa ra bất chấp sức ép từ Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản kêu gọi tăng mạnh sản lượng nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau COVID-19, nhu cầu dầu thô toàn cầu đã tăng lên vào năm 2021 được cho là dẫn đến giá cả tăng mạnh. Giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm sau khi OPEC+ đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô ở mức 400.000 thùng/ngày trong bối cảnh giá dầu liên tiếp chạm các mốc kỷ lục.

OPEC+ đã thực hiện các biện pháp mang tính lịch sử vào tháng 4/2020 khi cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, OPEC+ đã từ từ đưa sản lượng trở lại thị trường, đồng thời nhóm họp mỗi tháng để thảo luận về chính sách sản lượng trong thời gian tiếp theo.

Cũng trong ngày 23/11, Chính phủ Ấn Độ cũng thông báo sẽ xuất khoảng 5 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của mình, trong hành động phối hợp với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác để hạ nhiệt giá dầu. Ấn Độ, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, đang ngày càng lo ngại về giá dầu gia tăng và mong muốn OPEC+ đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng dầu./.

Hoài Hà (Theo Reuters, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực