Khắc phục tính hình thức, bệnh thành tích trong khen thưởng

Thứ năm, 28/10/2021 14:26
(ĐCSVN) – Theo các đại biểu, cần có quy định rõ hơn về nguyên tắc, trách nhiệm và việc xử lý vi phạm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, cá nhân trong tổ chức, triển khai thực hiện các phong trào thi đua, khen thưởng, khắc phục bệnh thành tích, nể nang trong công tác khen thưởng.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam), không thể phủ nhận, vai trò, động lực và những hiệu quả to lớn của các phong trào thi đua mang lại đối với đời sống xã hội và trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Dù đã có những điều chỉnh, bổ sung về hình thức, phạm vi thi đua, tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Phạm Hùng Thắng cho rằng, nội dung thi đua trong Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) còn mang nặng tính hành chính và tính chất Nhà nước. Trong khi thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện, tự giác của các cá nhân, tập thể phấn đấu vì những mục đích chung, hướng tới những điều tốt đẹp, mục tiêu cao hơn trong học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, phát huy được sức mạnh cá nhân, tập thể trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặt vấn đề làm sao khắc phục tính hình thức và chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng, nhất là trong khen thưởng?, đại biểu Phạm Hùng Thắng cho rằng, để giải quyết vấn đề này, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) phải có những quy định rõ, cụ thể. Theo đó, khen thưởng phải theo công trạng của các cá nhân, tập thể đạt được, có như vậy mới thực sự động viên đối tượng được khen thưởng và khích lệ cộng đồng, xã hội học tập, phát huy và hưởng tới. Nếu không rà soát lại nội hàm khái niệm khen thưởng với các loại hình khen thưởng sẽ dẫn đến việc quy định các tiêu chuẩn cụ thể sẽ mất đi bản chất thực sự của khen thưởng là ghi nhận công trạng.

“Cần có quy định rõ hơn về nguyên tắc, trách nhiệm và việc xử lý vi phạm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, cá nhân trong tổ chức, triển khai thực hiện các phong trào thi đua, đề nghị khen thưởng và quyết định khen thưởng”, ĐB đề xuất.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: TL. 

Về thủ tục bình xét thi đua định kỳ, đột xuất, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) chỉ ra, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành không có sự phân cấp, phân ngành, lĩnh vực rõ ràng trong tổ chức đăng ký, tham gia và bình xét thi đua khen thưởng. Do đó, việc tổ chức đánh giá, bình xét còn nể nang, còn phân định cấp trên với cấp dưới nên hiệu quả tích cực trong phát động phong trào thi đua có lúc vẫn còn mang tính hình thức.

“Cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là đối với xét khen thưởng đột xuất, đảm bảo ý nghĩa thực sự trong công tác khen thưởng đột xuất để kịp thời biểu dương, lan tỏa phong trào; tránh gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức được đề nghị…”, ĐB đề xuất.

ĐB Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) nhận định, điều kiện tiêu chuẩn khen thưởng như dự thảo luật chủ yếu còn tập trung vào đội ngũ cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang, trong khi đó luật hiện hành lại chưa bao quát cụ thể đối tượng đông đảo quần chúng nhân dân trong cả nước như công nhân, nông dân, trí thức. Các quy định về khen thưởng còn chung chung, chưa cụ thể, mang tính định tính, chưa cụ thể và phải điều chỉnh bằng các thông tư, văn bản hướng dẫn.Trong quá trình tổ chức thực hiện về điều kiện, tiêu chí khen thưởng đối với công nhân, người lao động trực tiếp còn lúng túng khó triển khai.

Để đảm bảo mục tiêu thi đua khen thưởng khuyến khích cổ vũ động viên cá nhân tập thể hăng hái thi đua lao động trong công tác sản xuất kinh doanh, đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về điều kiện tiêu chuẩn khen thưởng vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)./.

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực