Khẳng định vai trò tiên phong, nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam

Thứ bảy, 20/11/2021 20:34
(ĐCSVN) - Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị ĐHQG-HCM tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, coi giáo dục và đào tạo cùng với khoa học- công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chối để phát triển đất nước; đồng thời chú trọng việc phát triển nguồn lực con người về mọi mặt, để hội nhập quốc tế sâu rộng.
 
 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (bên phải) tới thăm, chúc mừng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tới thăm, chúc mừng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM).

Khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG-HCM chia sẻ: Ngày 20/11 là một ngày lễ kỉ niệm có ý nghĩa đặc biệt, ngày xã hội tôn vinh và thể hiện tình cảm tốt đẹp đối với những người đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết cho sự nghiệp trồng người của đất nước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các thầy cô giáo đại học vẫn là những người thực hiện sứ mệnh cơ bản là sáng tạo và truyền tải tri thức.

“Đại dịch COVID-19 đã phá vỡ mô hình lớp học truyền thống. Tất cả mọi hoạt động đều phải đưa lên mạng. Lớp học là chiếc bàn ăn trong căn nhà chật chội. Bục giảng là chiếc chiếc máy tính cũ chập chờn. Ngoài giảng dạy, các thầy cô giáo còn là một kỹ thuật viên máy tính để hỗ trợ các em khi có bất cứ sự cố; là một nhà biên kịch, kiêm đạo diễn, kiêm quay phim, kiêm luôn cả diễn viên chính để thực hiện các clip bài giảng sinh động; là một nhà tâm lý học, luôn sẵn sàng tư vấn, an ủi, động viên khi học trò gặp khó khăn… Các thầy cô cũng đồng thời làm những công việc gia đình, chăm sóc con, chăm sóc người thân, tham gia chống dịch…”- PGS. TS Vũ Hải Quân chia sẻ.

 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho đại diện 2 đơn vị thuộc ĐHQG-HCM.

Mặc dù giảng dạy trong một tâm lý căng thẳng, nhưng đội ngũ các thầy cô giáo đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Giữa đại dịch, đã có 1.300 thầy cô giáo của ĐHQG-HCM tình nguyện làm công tác dọn dẹp, chuẩn bị cơ sở vật chất bàn giao KTX và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh làm khu cách ly, bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19. Gần 50.000 lượt người đã được cách ly, điều trị ở đây trong đợt dịch vừa qua. Các thầy cô giáo của ĐHQG-HCM đã thực hiện hỗ trợ được cho 5.595 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên ở quê bị kẹt lại TP Hồ Chí Minh. Và có thầy cô đã ra đi mãi mãi! 

Giám đốc ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân nhấn mạnh: Trong suốt 26 năm hình thành và phát triển, ĐHQG-HCM luôn khẳng định sứ mạng tiên phong, nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ĐHQG-HCM cũng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao phó. Nhìn lại chặng đường phát triển của ĐHQG-HCM cùng những thành tựu đạt được, mới thấy sự lao động bền bỉ, sự cố gắng của bao thế hệ cán bộ, viên chức, trong đó các thầy cô giáo là người đi tiên phong để làm nên thương hiệu ĐHQG-HCM như hiện nay.  Những thành tựu ấy có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ qua nhiều thế hệ các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức, các em sinh viên, học sinh ĐHQG-HCM.

3 kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương

ĐHQG-HCM xác định tầm nhìn trở thành một hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa và tri thức Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu này, ĐHQG-HCM đã chọn ba nhóm chiến lược đột phá, nhằm ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung triển khai thực hiện: (1) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị đại học mà trọng tâm là thực hiện tự chủ đại học; (2) Xuất sắc về đào tạo, đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; (3) Xây dựng Khu đô thị đại học xanh, thông minh, thân thiện.

Tại buổi làm việc, ĐHQG-HCM kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương các nội dung sau: Để cụ thể hóa Nghị quyết đại hội XIII, cụ thể hóa đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao, cần sớm xây dựng và ban hành Chiến lược tổng thể phát triển GD-ĐH ở Việt Nam, trong đó có phân tích, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao cho mỗi giai đoạn, đề xuất kinh phí đầu tư của nhà nước để đào tạo nhóm lao động này, từ đó sớm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo, nhất là các ngành khoa học công nghệ, khoa học cơ bản đối với các trường đại học trong đó có 2 ĐHQG. Nghiên cứu lý luận và thực tiễn để đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các trường đại học, nhất là trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0; Đề nghị giao cho ĐHQG-HCM chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Ban Tuyên giáo Trung ương ủng hộ ĐHQG-HCM được thành lập Cơ quan báo chí để các tạp chí khoa học thành viên thuộc hệ thống tạp chí phát triển khoa học và công nghệ ĐHQG-HCM được phát triển ngang tầm nhiệm vụ.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí lãnh đạo đã nghe các GS, TS, các nhà khoa học chia sẻ những suy nghĩ, những khó khăn, thuận lợi trong công tác giảng dạy trực tuyến trong thời điểm dịch bệnh COVID-19…

 Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao tặng học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao

Qua báo cáo của ĐHGQG-HCM, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phấn khởi khi thấy ĐHQG-HCM đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế là trung tâm đại học hàng đầu của đất nước. Với những thành tựu nổi bật trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước thời kỳ đổi mới. 3 năm gần đây ĐHQG-HCM vinh dự đứng trong danh sách những bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới và châu Á. Nhiều nhà khoa học, giảng viên sinh viên của nhà trường đã được vinh danh trên trường học thuật quốc tế. Những thành tựu đó có sự đóng góp to lớn của thế hệ các thầy cô giáo.

Qua 2 năm đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục,  TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Dù vậy, lãnh đạo nhà trường và cán bộ, giảng viên, sinh viên đã khắc phục những khó khăn, bảo đảm nghiên cứu, học tập không bị gián đoạn; đồng thời, huy động nguồn nhân lực vật lực cùng TP Hồ Chí Minh, các tỉnh trong khu vực hỗ trợ cho cộng đồng bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Những đóng góp thiết thực của ĐHQG-HCM đã thể hiện tinh thần trách nhiệm đến cộng đồng, thể hiện tình thần nhân văn sâu sắc.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa  chia sẻ những khó khăn, thách thức, đồng thời chúc mừng, biểu dương những nỗ lực và cống hiến của ĐHQG-HCM và của các thầy, cô giáo trong thời gian qua.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng gửi đến đội ngũ các thầy giáo, cô giáo những lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

 Các đồng chí lãnh đạo tham quan Phòng Truyền thống ĐHQG_HCM

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; về đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ. Đặt kỳ vọng vào nhân lực, vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Đảng đặt trách nhiệm rất lớn cho các đại học, trong đó có ĐHQG-HCM.

Phát huy những kết quả đạt được, để biến những khát vọng và tầm nhìn thành hiện thực, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị ĐHQG-HCM tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, giáo dục và đào tạo cùng với khoa học- công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Nhấn mạnh về vai trò quan trọng của nguồn lực con người, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn ĐHQG-HCM chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực, sáng tạo về các giá trị cốt lõi, nhất là tinh thần đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc…  đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, làm việc, có trình độ toàn diện để hội nhập quốc tế sâu rộng.

Với 76.000 sinh viên, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn các em tận dụng cơ hội, phát huy tinh thần cao nhất, khơi dậy khát vọng, lý tưởng, tiếp tục kế thừa truyền thống của cha anh tích cực học tập, sáng tạo, đổi mới rèn luyện về tri thức, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện thể lực, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của thời kỳ mới.

Dịp này, ĐHQG-HCM đã công bố và trao Quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu dịch bệnh (Trường ĐH Quốc tế quản lý, vận hành).

Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trung tâm Quản lý Ký túc xá và Trung tâm Quốc phòng và An ninh (ĐHQG-HCM); 01 tập thể và 3 cá nhân vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; Giám đốc Đại học Quốc gia tặng Giấy khen cho 8 tập thể có thành tích xuất sắc trong phòng, chống COVID-19…/.

Tin, ảnh: Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực