Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày báo cáo (Ảnh: KT)
Góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách
Theo Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn, nhiệm kỳ qua, ngành KTNN đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, thực hiện Luật KTNN và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, trong nhiệm kỳ qua, hoạt động kiểm toán đã từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp và có nhiều tiến bộ, ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, chất lượng kiểm toán không ngừng được nâng cao.
Trong nhiệm kỳ, KTNN đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng; giúp các đơn vị được kiểm toán từng bước khắc phục việc lập, giao dự toán ngân sách hàng năm chưa sát thực tế, bố trí vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách; hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, tài sản công thông qua việc kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản. Việc phát hiện xử lý tài chính và kiến nghị sửa đổi các cơ chế chính sách thông qua hoạt động kiểm toán nhà nước đã góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, KTNN đã cung cấp 54 bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và Đại biểu Quốc hội để phục vụ kiểm tra, giám sát; chủ động chuyển 09 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ.
Tổng KTNN cũng khẳng định, việc công khai kết quả kiểm toán hàng năm đã được KTNN thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; năng lực kiểm toán ngày càng được nâng cao, hoạt động chuyên nghiệp hơn; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ từng bước được củng cố, kiện toàn cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, ngày càng đáp ứng tốt hơn cho hoạt động chuyên môn; hội nhập quốc tế được mở rộng...
Tuy nhiên, theo Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn, trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Quy mô kiểm toán hàng năm tuy đã được mở rộng, tăng nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc đổi mới phương pháp kiểm toán, chất lượng kiểm toán còn hạn chế, nhất là việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán dựa trên phương pháp chọn mẫu, đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; kết quả kiểm toán chưa chú trọng phân tích sâu, đánh giá hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách; chưa triển khai được nhiều cuộc kiểm toán hoạt động; hiệu lực kiểm toán chưa cao như mong muốn...
Cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán
Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá, Báo cáo về công tác của KTNN trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện về kết quả hoạt động của KTNN trong giai đoạn 2011-2015 theo chức năng, nhiệm vụ của KTNN đã được quy định tại Luật KTNN. Tuy nhiên, Báo cáo của KTNN cần đi sâu hơn và tăng thêm nội dung mang tính nhận định, đánh giá về kết quả đạt được cũng như các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, có sự phân tích, đánh giá, so sánh với kết quả hoạt động của KTNN trong những giai đoạn trước để rút ra những bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp thiết thực cho tổ chức và hoạt động của KTNN giai đoạn tiếp theo.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công trong giai đoạn tới, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị KTNN bám sát các Nghị quyết của Đảng, hệ thống pháp luật và Nghị quyết của Quốc hội, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 để xây dựng kế hoạch hành động cho nhiệm kỳ 2016-2020, bảo đảm nâng cao năng lực hoạt động, xây dựng KTNN chuyên nghiệp, hiện đại, trở thành công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Tiến hành kiểm toán thường niên các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tăng quy mô kiểm toán về tổng thể và các đầu mối để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị, KTNN củng cố hệ thống tổ chức bộ máy; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đạo đức, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán; tăng cường kiểm toán, kiểm soát nội bộ, công khai, minh bạch các thông tin kiểm toán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.
Ngoài ra, chú trọng phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kết luận và kiến nghị của KTNN; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý các vi phạm chế độ, chính sách, kỷ luật tài chính đặc biệt là trách nhiệm cá nhân.../.