Kiên quyết thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm

Thứ tư, 08/06/2022 14:46
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đăng đàn trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 8/6. Ảnh: ĐT

Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc sẽ tập trung trả lời vào các nội dung: Tình hình triển khai và giải pháp thúc đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.

Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giả, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới. Các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có 79 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Các đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.Hồ Chí Minh); Nguyễn Thành Công (Ninh Bình); Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang); Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang); Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên); Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận); Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương); Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)... chất vấn về nội dung: Giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xác định giá quyền sử dụng đất; công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến nhà đất; công tác quản lý thị trường chứng khoán; giải pháp tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; quản lý xe biếu tặng; giải pháp ngăn chặn, chấn chỉnh vi phạm trong lĩnh vực tài chính; quản lý giá sách giáo khoa; triển khai chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; quản lý nhà đất của các cơ quan sau khi sáp nhập, di dời; công tác luân chuyển, điều động cán bộ, công chức tài chính, nhất là những người công tác ở vị trí "nhạy cảm" như thuế, hải quan; quản lý giá xăng dầu; giải pháp chấn chỉnh vi phạm trong hoạt động thẩm định giá;... 

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính sáng 8/6. Ảnh: ĐT

Kiên quyết thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sắp xếp nhà đất là một trong những nút thắt của cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai.

Theo đó, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước, chuyển sang tài sản tư nhân.

Do đó, giải pháp trong thời gian tới là, việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. "Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.  

Không thất thu thuế đối với xe biếu tặng

Về vấn đề xe biếu tặng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các hãng xe thường phải đặt đại lý ở Việt Nam để chuyển xe qua đại lý. Tuy nhiên, có nhiều loại xe số lượng bán ít, không có đại lý. Lợi dụng các lỗ hổng này, các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu tặng.

Theo quy định hiện hành, hình thức biếu tặng không được giảm miễn bất cứ loại thuế nào. Qua kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp kê khai theo giá thấp, cơ quan hải quan căn cứ theo quy định, xác định rõ và đã truy thu thuế với các doanh nghiệp này.

Bộ trưởng cho biết, sau khi báo chí phản ánh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an để xử lý vấn đề này. Tổng cục Hải quan đã phối hợp cùng Bộ Công an tiến hành xác minh xử lý, đến nay, vẫn chưa có kết quả cụ thể, nhưng trong quá trình chỉ đạo các cục thuế, tổng cục hải quan, cục hải quan địa phương kiểm tra rà soát, định giá lại trong thời gian vừa qua, không phát hiện ra vấn đề thất thu thuế, các loại thuế đều đã được thu đầy đủ.

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.Hồ Chí Minh) về việc đóng thuế đối với các loại xe tặng, cho, nhất là các loại xe sang hay dùng cho tiêu dùng, đại biểu cho rằng Bộ trưởng trả lời vẫn chưa đầy đủ.

Đại biểu cho biết, vừa qua trong đại dịch COVID-19 tại Tp. Hồ Chí Minh tiếp nhận rất nhiều xe cấp cứu, xe cứu thương nhập từ nước ngoài. Lúc đó TP. Hồ Chí Minh cũng có đề xuất các bộ, ngành liên quan về việc miễn, giảm thuế đối với xe cấp cứu, tuy nhiên vẫn không được đồng ý. Một số doanh nghiệp đã chắt chiu kinh phí để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch, nhất là xe cấp cứu đáng ra phải được miễn, giảm thuế. Đại biểu lấy ví dụ về xe cấp cứu tặng cho Bệnh viện 115 khoảng gần 5 tỷ đồng, xin miễn, giảm thuế nhưng không được. Do đó, doanh nghiệp tài trợ phải đóng thêm hơn 600 triệu đồng để nhập xe về và tặng cho bệnh viện. Đại biểu đề nghị trong chính sách sắp tới, nhất là những trường hợp khẩn cấp, với những trang thiết bị phục vụ chống dịch, đề nghị Bộ Tài chính đưa vào danh mục được miễn, giảm thuế giống như vắc xin hay thuốc chữa bệnh.

Trả lời tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, quản lý thuế đối với xe biếu, tặng, theo quy định của pháp luật hiện hành không được miễn các khoản thuế. Ngành Tài chính là cơ quan thuế thực hành, không được giảm mà phải thu theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong thực hiện công tác phòng, chống dịch và cần phải sửa. Bộ trưởng xin tiếp thu ý kiến của đại biểu.

Quản lý chặt chẽ thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ.

Đồng thời, phối hợp với ngân hàng nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng; phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.

Bộ Tài chính cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật các cán Bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm trong khi thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Ảnh: ĐT 

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ ở vị trí "nhạy cảm" được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến công tác luân chuyển cán bộ trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, công tác này được Bộ Tài chính thực một cách minh bạch, công khai và công bằng, tạo tính tự giác đối với cán bộ các ngành hải quan, kho bạc, thuế.

Các luân chuyển cụ thể được tiến hành như sau: Đầu năm Bộ sẽ đưa ra danh sách luân chuyển cán bộ của năm sau từ tỉnh này sang tỉnh khác hoặc từ tỉnh lên bộ, từ phòng này sang phòng khác. Khi thực hiện luận chuyển cũng không có đơn thư kiện cáo.

"Công tác luân chuyển cán bộ trong ngành tài chính cơ bản thực hiện đúng chính sách, tiến độ theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Đối với vấn đề thực hiện Nghị định 15/2022/NĐ-CP về chính sách giảm thuế VAT, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương thức tính hợp lý, không bắt buộc tách hóa đơn.

Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định này, đặc biệt các hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp được thực hiện khá thuận lợi; đảm bảo các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện kê khai đúng và đầy đủ, tránh các vướng mắc có thể phát sinh.

Đã xảy ra một số vụ việc đấu giá bất thường

Về thực hiện trách nhiệm của Bộ Tài chính trong công tác đấu giá tài sản quy định trong Luật Đấu giá tài sản, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: Về quy chế đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ để ban hành.

Đối với việc quản lý về tài sản công, quy định trong Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tài chính sẽ thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ quy định trong Luật.

Theo Bộ trưởng, đối với đấu giá tài sản, điều quan trọng là chúng ta thực hiện vấn đề về giá khởi điểm. Ví dụ như thực hiện giá khởi điểm về giá đất đai thì thẩm quyền là do UBND tỉnh quyết định, còn hướng dẫn thực hiện do cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Còn các loại giá của các lĩnh vực khác cũng được phân cấp cho các ngành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc giám sát và thực hiện quá trình đấu giá tài sản theo đúng quy định. "Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ Tài chính chưa thực hiện được nhiều về đấu giá tài sản", Bộ trưởng thừa nhận.

Bộ trưởng lý giải: Công việc chuẩn bị thực hiện đấu giá do UBND các cấp thực hiện nhưng khi tổ chức triển khai thì lại là do Trung tâm Đấu giá (Bộ Tư pháp) hoặc công ty đấu giá. Khi có vi phạm về mặt pháp luật hình sự thì các cơ quan điều tra sẽ xử lý. Chính vì thế mà thời gian vừa qua, xảy ra một số vụ việc về đấu giá đã tạo nên một số bất thường về giá cả.

Đại biểu đề nghị hãy để giá xăng dầu tăng - giảm theo hướng tự nhiên theo thế giới

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, chưa đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính về giá xăng dầu. “Vì kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nên nếu can thiệp quá nhiều thì nó không vận hành phù hợp với giá thị trường. Hãy để giá tăng - giảm theo hướng tự nhiên theo thế giới. Còn nếu chúng ta can thiệp thì chỉ can thiệp phần nào. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nếu giá như thế này thì sẽ ảnh hưởng xuất khẩu”, đại biểu Nguyễn Văn Thân giải thích.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng, cần can thiệp đúng mức, làm sao để giảm tối thiểu với giá rẻ nhất so với các nước xung quanh.

Giải trình làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thân quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá, do Nhà nước bình ổn, do vậy đến một lúc nào đó, Nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu. Giảm được giá xăng dầu có rất nhiều lợi ích: giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sức cạnh tranh, thúc đẩy vấn đề giải quyết được lao động và từ đó sẽ có tích lũy cho cho nền kinh tế. Và Bộ Tài chính lại thu được thuế thông qua tăng giá trị gia tăng VAT, thu nhập doanh nghiệp và các mặt hàng khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng đây cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động. Qua đây, Bộ trưởng xin tiếp thu ý kiến của đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) tranh luận về giá xăng dầu với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc sáng 8/6. Ảnh: ĐT

Giải pháp cho hiện tượng "bong bóng" trên thị trường chứng khoán

Trả lời các câu hỏi của đại biểu về bong bóng trong thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ ra rằng, những năm vừa qua thị trường chứng khoán phát triển tương đối tốt, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 21,1% so với cuối năm 2021, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 8,1% so với bình quân năm 2021. Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Để khắc phục tình trạng này, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường.

Về việc mua sắm tài sản công, Bộ trưởng cho biết đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, việc mua sắm phải đúng định mức, tiêu chuẩn, mức độ do Nhà nước ban hành, nếu trái thì phải chịu hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết, trong Kỳ họp thứ 4 tới sẽ bàn về việc sửa đổi Luật Giá, mong muốn các đại biểu Quốc hội quan tâm, tăng cường giúp cho Bộ Tài chính trong quản lý giá để thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

Ngoài ra, về giải pháp cho vấn đề lạm phát tăng cao, Bộ trưởng cho biết, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung; tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược; trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực