Kinh tế thế giới đang lấy lại đà tăng trưởng

Thứ năm, 07/01/2010 15:22

(ĐCSVN) - Năm 2009 là một năm nhiều khó khăn đối với nền kinh tế thế giới. Bước vào năm 2010, đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan, các nền kinh tế đang tiếp tục những nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng và mở ra những tín hiệu tích cực của kinh tế toàn cầu.

Bước vào năm 2009, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Đại suy thoái 1929-1933 do tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản của kinh tế thế giới đều giảm mạnh; kinh tế các nước phát triển suy thoái sâu; tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn do đầu tu nước ngoài và xuất khẩu giảm mạnh.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), sản lượng thế giới 2009 giảm 10%, trong đó sản xuất công nghiệp của các nước phát triển giảm trên 10%. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2009 suy giảm từ 3% năm 2008 xuống âm 1,1%; các nước phát triển âm 3,4% (Mỹ âm 2,7%; Nhật âm 0,7%; EU âm 4,2%; Đức âm 5,1%; Nga âm 7,5%), các nước đang phát triển tăng trưởng suy giảm từ 6% năm 2008 xuống 1,7% năm 2009. Thương mại toàn cầu giảm 12,5% (không tính dầu mỏ), trong đó xuất khẩu của các nước phát triển giảm 14,2%, các nước đang phát triển giảm 7,8%..

Ứng phó với tình hình kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, Chính phủ các nước đã phối hợp, triển khai các biện pháp kích thích kinh tế chưa có tiền lệ cả cấp độ quốc tế và quốc gia. Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tháng 4/2009 thông qua Tuyên bố chung gồm 29 điểm, nhất trí bổ sung nguồn lực tài chính lên tới 1100 tỷ USD để kích thích nền kinh tế thế giới. Hội nghị Thượng đỉnh G-20 lần 3 tháng 9/2009 thông qua Tuyên bố cam kết duy trì các biện pháp ứng phó mạnh mẽ cho đến khi phục hồi chắc chắn, tránh rút kích thích kinh tế quá sớm, đồng thời phối hợp chuẩn bị chiến lược ra khỏi khủng hoảng vào thời điểm thích hợp; cam kết tăng cường các quy định, chế tài quản lý tài chính; đẩy mạnh cải cách các thể chế kinh tế - tài chính toàn cầu nhằm ngăn ngừa khủng hoảng tái diễn; thúc đẩy thương mại, đầu tư và chống chủ nghĩa bảo hộ, v.v...

Ở cấp độ quốc gia, tháng 2/2009, Mỹ đã tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD bằng 6% GDP Mỹ, nhằm tạo 3,5 triệu việc làm trong 2 năm và đang cân nhắc một gói kích thích kinh tế mới trị giá 200 tỷ USD (từ chương trình giải cứu tài sản xấu). Tại khu vực Châu Âu, Đức đã chi 81 tỷ Euro; Pháp 26 tỷ Euro; Italia 80 tỷ Euro; Anh 290 tỷ USD kích thích nền. kinh tế đang trì chệ, ngành sản xuất công nghiệp đình đốn...Tại Châu á, Trung Quốc đã chi 586 tỷ USD; Hàn Quốc 20 tỷ USD; Nhật Bản 117 tỷ USD và mới công bố gói kích thích kinh tế thứ 2 trị giá 81 tỷ USD tương đương 1,5% GDP Nhật v.v..

Các gói kích thích kinh tế chủ yếu tập trung vào: Phát triển cơ sở hạ tầng; Giảm hoặc hoàn thuế; Hỗ trợ trực tiếp một số ngành, lĩnh vực quan trọng hoặc tạo nhiều việc làm như ô tô, điện tử, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tăng cường đổi mới công nghệ, năng lượng mới, sáng kiến mới về môi trường; Trợ cấp xã hội, hỗ trợ thất nghiệp, mở rộng an sinh xã hội, hỗ trợ dịch vụ công (y tế, giáo dục), v.v...

Triển vọng phục hồi kinh tế thế giới ngày, càng rõ nét, song bấp bênh và nhiều rủi ro: Theo đánh giá mới nhất của IMF, kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3.1% vào năm 2010, các nền kinh tế phát triển đã dần dần phục hồi từ Quý IV/2009. Nhìn chung, các nước phát triển ở phương Tây đã thoát khỏi suy thoái; các hoạt động kinh tế tốt hơn và dần dần ổn định trở lại ở mức trước khi ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ. Các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng 5% năm 2010 chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh của khu vực Châu á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Cơ quan Thông tin Kinh tế (EIU) cho rằng hiện tại nền kinh tế thế giới đang ở giai đoạn tương đối ổn định, cơ quan này dự báo các nước phát triển sẽ tăng trưởng khoảng 2% và các nước đang phát triển tăng trưởng gần 5.5% trong năm 2010. Ngân hàng Standard Chartered dự báo năm 2010 kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2.7%, các nước Châu á sẽ tăng tới 7%.

Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, thời kỳ phục hồi sẽ kéo dài 3 hoặc 4 năm nữa và phải đến năm 2015, nền kinh tế thế giới mới có thể phục hồi trở lại như trước khủng hoảng. Tiến trình phục hồi kinh tế thế giới sẽ gặp khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Về dài hạn, sự phục hồi và ổn định kinh tế thế giới phụ thuộc vào những yếu tố bất ổn mang tính thể chế và cơ cấu: tái thiết hệ thống tiền tệ, tài chính và trật tự kinh tế thế giới mới hậu khủng hoảng, các vấn đề thương mại, năng lượng, lương thực... toàn cầu và những vấn đề vĩ mô trong từng nền kinh tế chủ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực