Lấy nước từ sông Hồng tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch và sông Nhuệ

Thứ sáu, 05/03/2021 08:59
(ĐCSVN) - Việc bổ cập nước từ sông Hồng sang sẽ giúp cải tạo đáng kể tình trạng môi trường của sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Dự kiến, Hà Nội xây 8 trạm bơm công suất 9m3/s để cải thiện ô nhiễm sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Với lưu lượng nước này có thể đủ để tạo dòng chảy, cải thiện ô nhiễm cho 2 con sông.
Lần đầu tiên UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí theo quy định. 

Chiều 4/3, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2021 của thành phố Hà Nội. Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Dũng, Người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chủ trì họp báo.

Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí đã đặt ra nhiều câu hỏi đối với đại diện các sở, ngành, trong đó nổi lên vấn đề vấn đề xử lý ô nhiễm sông hồ, đặc biệt là các sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy và vấn đề giải cứu nông sản rớt giá.

Trước câu hỏi về vấn đề xử lý ô nhiễm sông hồ, đặc biệt là các sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy đến nay ra sao? Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngay từ đầu năm 2021, UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan giải tỏa bùn lắng đọng, lắp trạm xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, làng nghề...

Việc thu gom rác thải tại các sông, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành nghiên cứu giải pháp sao cho phù hợp với thực tế để đề xuất với UBND TP.

Thông tin về phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết, thành phố đã nhận được nhiều đề xuất về giải pháp cải thiện môi trường sông Tô Lịch, trong đó có phương án bổ cập nước sông Hồng qua hồ Tây rồi chảy vào Tô Lịch. Việc này cũng giúp bổ cập cả nước cho sông Nhuệ.

 Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết Sở đang đề xuất xây 8 trạm bơm để cải thiện ô nhiễm sông Nhuệ và sông Tô Lịch.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết, đơn vị đang đề xuất xây 8 trạm bơm dã chiến công suất 9m3/s để cải thiện ô nhiễm sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Với lưu lượng nước này có thể đủ để tạo dòng chảy, cải thiện ô nhiễm cho 2 con sông.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, phương án này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất là phù hợp quy hoạch. Thứ hai, Hà Nội sẽ không phải lập thêm một dự án mà sẽ dựa vào dự án thoát nước khu vực sông Nhuệ để thực hiện thêm một số hạng mục bổ cập nước cho sông Tô Lịch.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi liên quan đến nghi vấn có tình trạng đổ nước vào rác để tăng khối lượng rác thải xử lý, Thượng tá Phạm Đức Thắng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra việc vận chuyển, thu gom, xử lý rác thải vào các bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát hiện việc đổ nước, hay phế thải vào rác".

Thượng tá Phạm Đức Thắng cũng cho hay về những khuất tất trong công tác xử lý rác thải khác khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua, hiện cơ quan công an đang trong quá trình điều tra. Khi nào có kết quả sẽ thông báo rộng rãi sau, đại diện Công an TP Hà Nội cho biết.

Hà Nội dự kiến sẽ tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân trên 18 tuổi

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khi nào thành phố Hà Nội có vắc xin COVID-19 cho người dân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết: “Thành phố đã hết sức chủ động về nguồn vắc xin COVID-19. Ngày 19/2, thành phố đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tạo điều kiện cho thành phố tiếp cận nguồn vắc xin để tiêm cho người dân, bảo đảm đủ cho người dân Thủ đô trên 18 tuổi, người dân vãng lai cư trú trên địa bàn”.

Về thời gian tiêm vắc xin, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, ngày 24/2, lô vắc xin đầu tiên đã về đến Việt Nam. Ngày 6/3 tới đây, Bộ Y tế sẽ tổ chức công tác tập huấn tiêm chủng cho toàn bộ hệ thống y tế dự phòng của 63 tỉnh, thành.

Ông Khổng Minh Tuấn cho biết, theo thứ tự ưu tiên của Bộ Y tế, sẽ cấp phát vắc xin cho 13 tỉnh, thành hiện đang có dịch, trong đó có Hà Nội, nhưng sẽ ưu tiên số 1 cho Hải Dương, nên lượng vắc xin cho Hà Nội cũng không phải nhiều. Ngày tiêm vắc xin ở Hà Nội cũng phải phụ thuộc vào việc phân bổ của Bộ Y tế. 

Về kinh phí, theo quy định tại Nghị quyết của Chính phủ, có thể đến từ 3 nguồn gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, hỗ trợ của cá nhân, doanh nghiệp; người sử dụng vắc xin tự chi trả./.

Tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực