Lơ là chống dịch sẽ phải trả giá đắt!

Thứ tư, 05/05/2021 17:51
(ĐCSVN) - Cả xã hội đang phải “gồng mình” trước tình trạng một số cá nhân lơ là gây hậu quả nghiêm trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đây là bài học đắt giá mà nếu chúng ta không “mạnh tay” hơn nữa thì "sợi dây kinh nghiệm" sẽ trở nên dài mãi mà thôi.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh minh họa: TA) 

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng dự báo tiếp tục tăng, nguy cơ bùng phát trên diện rộng rất hiện hữu. Nguy hiểm hơn là trong tình hình hiện nay, nhiều biến chủng của SARS-CoV-2 đã có mặt ở Việt Nam.

Nguyên nhân dịch lan rộng mấy ngày qua một phần do các địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Thực tế, nhiều nơi đã có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nên đã gây ra đợt bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng lần thứ 4.

Đúng vậy! Bệnh nhân 2899 tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nếu thực hiện nghiêm cách ly tại nhà, tránh tiếp xúc, tụ tập đám đông thay vì liên tục đi ra ngoài tiếp xúc, tụ tập ăn uống, liên hoan… thì có thể đã hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng phức tạp như hiện tại.

Chưa hết, nhóm chuyên gia người Trung Quốc, sau khi hoàn thành cách ly tập trung, thay vì phải cách ly tại doanh nghiệp, đã đi khắp nơi, tiếp xúc với vô số người và hậu quả cũng đã gây ra lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng...

Trước đó, ổ dịch tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cũng đã là bài học đắt giá cho sự chủ quan, lơ là của cán bộ và người dân trong công tác phòng dịch. Chính vì sự chủ quan, lơ là mà huyện Kim Thành đã làm lây lan gần 20 ca bệnh hồi cuối tháng 2 vừa qua. Trong thời điểm đó, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã phải thốt lên: “Đây là bài học rất đắt giá, lãnh đạo huyện Kim Thành phải luôn nhớ điều này. Tại sao thành phố Hải Dương khoanh rất tốt nhưng huyện Kim Thành để thành ổ dịch mới phát hiện ra?". Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã phê bình nghiêm khắc tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Thành.

Tại cuộc họp khẩn đánh giá về công tác phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “chỉ một người lơ là khiến cả xã hội vất vả”. Thủ tướng yêu cầu đánh giá lại tình hình tổ chức thực hiện việc phòng chống dịch thời gian qua, trong đó, nêu rõ nguyên nhân chủ quan và xem xét trách nhiệm cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân đã lơ là, chủ quan, làm chưa nghiêm các quy định về phòng chống dịch. “Nếu không xử lý nghiêm minh, sẽ tiếp tục dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có thể dẫn đến hậu quả khó lường”, Thủ tướng nêu rõ.

Sự lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 được cảnh báo không chỉ đối với những người bình thường, những người đã được chữa trị và đủ điều kiện rời khỏi khu cách li tập trung, mà đối với cả lực lượng chức năng, cán bộ chuyên môn và chính quyền cơ sở tại các địa phương trong cả nước. Vì mặt trận phòng chống dịch COVID-19 là một trận tuyến kết nối từ hệ thống chính trị đến toàn dân. Mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân là một mắt xích xung yếu cần luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phòng chống dịch bệnh. Bất kì một trong những mắt xích xung yếu lơ là, hậu quả phức tạp có thể xảy ra.

Trên thực tế, chúng ta không thiếu các quy định về phòng, chống dịch nhưng chưa thể ràng buộc, cá thể hóa trách nhiệm và nhất là xử lý nghiêm minh các cá nhân có trách nhiệm, chấm dứt sự buông lỏng, lơ là, chủ quan mất cảnh giác từ chính những người có nhiệm vụ chống dịch. Tại Việt Nam, đợt dịch lần này với hơn 50 ca mắc trong cộng đồng, nếu khẩn trương, cả nước chung sức, đồng lòng vào cuộc, thực hiện nghiêm theo khuyến cáo, may ra còn kịp kiềm chế sự lây lan, bùng phát.

Ở thời điểm này, thiết nghĩ, bất kỳ địa phương, tập thể, cá nhân nào cần phải lấy bài học từ Hà Nam và Yên Bái làm gương để chấm dứt sự lơ là, sơ suất trong phòng chống dịch bệnh. Tại Hà Nam, ngoài việc xử phạt hành chính và xem xét xử lý hình sự bệnh nhân 2899, cơ quan chức năng tỉnh này đã đình chỉ công tác đối với Trạm trưởng Trạm y tế xã Đạo Lý và Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân do có thiếu sót trong quản lý, điều hành, dẫn đến làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng. Còn tại Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định đình chỉ công tác Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái kể từ chiều ngày 2/5 và cho đến ngày 4/5 thì ra quyết định cảnh cáo do vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Cụ thể là việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài.

Phải khẳng định lại rằng, rất cần xác định rõ trách nhiệm, không chỉ là bệnh nhân trực tiếp làm lây lan dịch, mà còn phải truy trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch như trong công văn chỉ đạo của Ban Bí thư. Đây cũng là cách giám sát để tránh sự lơi lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác này ở mỗi một địa bàn.

Sự chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh sẽ phải trả giá đắt. Hãy nhìn vào nhiều nước trên thế giới, cả các nước trong khu vực đang phải “oằn mình” chống chọi với COVID-19. Mất mát quá nhiều, hy sinh quá lớn nhưng hiện nhiều quốc gia vẫn chưa chặn được làn sóng dịch đang lây lan trên diện rộng, số ca mắc, tử vong không ngừng gia tăng hằng ngày hằng giờ.

Ở Việt Nam, để người dân bình yên trong đại dịch, chúng ta đã phải nỗ lực rất nhiều. Đó là những giải pháp, phương án của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương tới địa phương; sự hy sinh to lớn của đội ngũ y tế, quân đội, các lực lượng liên quan đang ngày đêm “oằn mình” chống dịch. Và đó còn là sự khốn khó của hàng vạn doanh nghiệp và hàng triệu người lao động… cũng “vạ lây”. Vì vậy, không lý nào để sự vô ý thức, lơ là, chủ quan của một vài cá nhân, ở một vài địa phương khiến cho cả cộng đồng, toàn xã hội phải trả giá.

Chúng ta nhất định không để hình thức nào mang tên “rút kinh nghiệm” và “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Vì thực chất đây chỉ là những từ ngữ có tác dụng thuyên giảm mức độ sai phạm mà thôi. Nếu không triệt để sẽ chẳng có sợi dây nào dài hơn “sợi dây kinh nghiệm” vì đây là sợi dây "rút hoài chẳng hết"!

Chưa hết, trước tình hình hiện nay, nhiều địa phương ghi nhận chùm ca bệnh trong cộng đồng, đòi hỏi mỗi người phải nâng mức độ cảnh giác lên cao nhất để ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ. Thực hiện khuyến cáo 5K không khó trong thời điểm này nhưng nếu lơ là, chủ quan, sẽ phải trả giá đắt, thậm chí cả tính mạng của mình, của gia đình và những người xung quanh./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực