Lợi ích quốc gia là hàng đầu

Thứ hai, 20/09/2021 17:09
(ĐCSVN)- Tuần qua sự kiện thế giới căng thẳng, liên quan đến Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có hợp đồng mua bán tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Australia, làm cho quan hệ giữa Pháp với các nước này trở nên căng thẳng. Sự kiện này cho thấy dù là đồng minh thân cận, đối tác chiến lược,... song lợi ích quốc gia vẫn được đặt lên hàng đầu.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp nhau tại Anh trong khuôn khổ hội nghị G7, hồi tháng 6/2021. Ảnh: Reuters

Liên minh lợi ích

Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo đó AUKUS cho phép Mỹ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, điều này khiến Canberra quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm của Paris.

Ngày 16/9 Australia tuyên bố hủy hợp đồng trị giá 40 tỷ USD với tập đoàn Naval Group của Pháp để đóng 12 tàu ngầm tấn công lớp Barracuda. Thay vào đó, nước này quyết định đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ công nghệ được Mỹ và Anh chuyển giao.

Điểm quan trọng trong thỏa thuận AUKUS giữa ba nước Australia, Anh, Mỹ là Canberra sẽ được trang bị đội tàu ngầm hạt nhân theo công nghệ Mỹ mà cho đến hiện nay Washington mới chỉ chia sẻ với Luân Đôn.

Trong buổi họp báo trực tuyến chung ngày 16/9/2021 cùng với đồng nhiệm Anh và Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Scott Morrison tự hào vì thỏa thuận Hợp đồng mua bán tàu ngầm Mỹ, Anh và Australia. Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh “phản ánh cấp độ tin tưởng và tình hữu nghị sâu đậm giữa chúng ta”.

Thủ tướng Australia, cũng như bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace khi trả lời đài Times Radio ngày 16/9, đều biện minh là “chương trình mua tàu ngầm chạy điện và diesel hiện nay có lẽ không mang lại được tầm chiến lược và tiêu chí không phát hiện được là cần thiết cho hiệu quả răn đe của Australia”. Thủ tướng Australia cho rằng Paris sẽ có quyết định tương tự với Canberra trong trường hợp cấp bách.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton đã lý giải nguyên nhân hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với Pháp. Ông Dutton cho biết chính phủ của Ông đã “thẳng thắn, cởi mở và trung thực” với Pháp rằng họ lo ngại về thỏa thuận trên, vốn vượt quá ngân sách và chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch.

Ông nhấn mạnh: “Với tình hình thay đổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không chỉ bây giờ mà trong những năm tới, chúng tôi phải đưa ra quyết định vì lợi ích quốc gia của chúng tôi và đó chính xác là những gì chúng tôi đã làm”.

Với việc hạm đội tàu ngầm mới của Australia dự kiến sẽ không thể hoạt động trong nhiều thập kỷ tới, ông Dutton cho biết Canberra có thể cân nhắc việc thuê hoặc mua các tàu ngầm hiện có từ Mỹ hoặc Anh trong thời gian tạm thời.

Bản thân Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã bác bỏ những cáo buộc của Pháp cho rằng Canberra “lừa dối” về các kế hoạch nhằm hủy bỏ hợp đồng. Ông Morrison cho biết trên thực tế Ông đã nêu những lo ngại về hợp đồng mua bán tàu ngầm với Pháp cách đây vài tháng. Ông nhấn mạnh: quyết định rút khỏi thỏa thuận “cho một tá tàu ngầm diesel-điện thông thường” được đưa ra vì “lợi ích quốc phòng và chủ quyền” của Canberra, đồng thời nói thêm ông “sẽ không bao giờ” hối hận về việc ấy.

Phản ứng của Pháp

Trước sự việc trên Pháp triệu hồi Đại sứ của nước này tại Mỹ và Australia về nước, thể hiện sự bất mãn đối với việc Mỹ và Australia bí mật đàm phán, dẫn tới việc Canberra hủy bỏ đơn đặt hàng mua tàu ngầm của Pháp.

 Người Pháp tức giận khi nước này không được bất kỳ quốc gia nào liên quan thông báo thỏa thuận tàu ngầm đã bị hủy bỏ và một hiệp ước mới sắp ra đời

Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, người đã đã mô tả thỏa thuận mới giữa Anh, Mỹ và Australia là “một cú đâm sau lưng” với người Pháp.

Sự tức giận của Paris dâng cao khi hợp đồng đóng tàu ngầm mà Pháp ký với Australia từ năm 2016 chấm dứt, sau khi Mỹ, Anh và Australia công bố liên minh quân sự mới có tên AUKUS.

Ngày 19/9, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal thông báo Tổng thống nước này Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ tiến hành điện đàm trong vài ngày tới. Theo ông Gabriel Attal, lãnh đạo Mỹ và Pháp sẽ có cuộc trao đổi qua điện thoại theo đề nghị của ông Biden. Dự kiến, ông Macron sẽ yêu cầu Tổng thống Mỹ “làm rõ” sau tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo đó AUKUS cho phép Mỹ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, điều khiến Canberra quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm của Paris. Ông Gabriel Attal tuyên bố Pháp “cần những lời giải thích từ phía Mỹ”.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden lấy làm tiếc về động thái của Paris và sẽ làm việc với Pháp trong những ngày tới để giải quyết những bất đồng.

Ngày 20/9, Pháp đã hủy hội nghị thượng đỉnh quân sự được lên kế hoạch trong tuần này với Anh. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã trực tiếp ra quyết định hủy Hội nghị thượng đỉnh quân sự song phương giữa ông và người đồng cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cùng một số quan chức quân sự cấp cao dự kiến tổ chức trong tuần này ở thủ đô London (Anh) trong 2 ngày.

Theo dự kiến ngày 21/9, diễn ra một cuộc họp gồm năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Nga. Do đó Ngoại trưởng Anh, Mỹ, sẽ có cuộc đối mặt ngoại giao căng thẳng với Pháp.

Văn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực