“Nam Bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”

Thứ bảy, 21/11/2020 11:49
(ĐCSVN) - Đó là chủ đề của Hội thảo do Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức sáng 21/11 nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2020).

Dự hội thảo có nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Thành ủy và các địa phương, đơn vị…

Hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc

 
 Trung tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: HM)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung ướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Cách đây 75 năm, ngày 23/9/1945, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã kịp thời phát động quân và dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nam Bộ trở thành tiền tuyến của cả nước, thể hiện khí phách anh hùng, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, tạo điều kiện cho Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, đặc biệt là của “Nam Bộ thành đồng Tổ quốc”, kết quả của Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời, giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn về tầm vóc, giá trị lịch sử và hiện thực của 15 tháng kháng chiến ở Nam Bộ, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử quý giá để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết: Sự kiện Nam Bộ kháng chiến ngày 23/9/1945 mở đầu công cuộc chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Ngay từ giờ phút đầu tiên quân Pháp tiến công Sài Gòn - Chợ Lớn, bằng mọi thứ vũ khí trong tay, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, gây khó khăn, tổn thất cho đội quân xâm lược được trang bị hiện đại. Cuộc chiến đấu trong điều kiện không cân sức của quân dân ta ở mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương khác của Nam Bộ thực sự tiêu biểu cho tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí, quyết tâm “giữ vững nền độc lập” của dân tộc Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày đề dẫn hội thảo (Ảnh: HM)

Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, 75 năm đã trôi qua, trang sử “Nam Bộ kháng chiến” đã hòa chung với chiến công hiển hách của quân và dân ta, đánh thắng hai kẻ thù là Pháp và Mỹ, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Thượng tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích làm rõ bối cảnh lịch sử, tình hình trong nước và quốc tế liên quan, đặc biệt là âm mưu và hành động của thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương, khởi đầu từ Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương Nam Bộ. Từ đó làm rõ và khẳng định đường lối, chủ trương lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự nhạy bén, chủ động, kiên quyết của Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến; Tái hiện cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân dân Nam Bộ mà tiêu biểu là trên mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn; Phân tích, luận giải tinh thần dân tộc, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được biểu hiện trong quá trình Nam Bộ kháng chiến…

Tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết đoán của Xứ ủy Nam Bộ

Theo Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 75 năm qua, những vấn đề lịch sử về Nam Bộ kháng chiến đã được các cơ quan, đơn vị, các vị tướng lĩnh, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm và làm sáng tỏ ở nhiều góc độ, chiều cạnh khác nhau. Song, với ý nghĩa to lớn, cùng độ lùi thời gian và dựa trên nhiều nguồn tư liệu lịch sử mới, cách tiếp cận mới, tinh thần, ý chí bảo vệ độc lập, tự do, ý nghĩa lịch sử và những bài học sâu sắc từ Nam Bộ kháng chiến vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, luận giải để vận dụng, phát huy hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

leftcenterrightdel
 Nhân chứng lịch sử Võ Văn Tuấn chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: HM)

90 tham luận, báo cáo gửi về Ban Tổ chức đều khẳng định, trước họa xâm lăng của thực dân Pháp, thực hiện lời thề “Độc lập hay là chết”, Xứ ủy Nam Bộ đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nhanh chóng phát động và lãnh đạo Nhân dân Nam Bộ đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành lại, mở ra một trang sử oanh liệt: Nam Bộ kháng chiến. 

Các tham luận đều thống nhất khẳng định: Kịp thời phát động kháng chiến là quyết định táo bạo, kiên quyết và kịp thời, thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ. Căn cứ diễn biến cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, Trung ương Đảng luôn có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời củng cố tổ chức đảng, xây dựng lượng vũ trang, phát động quần chúng đứng lên kháng chiến. Tất cả sự lãnh đạo, chỉ đạo đó làm cho cuộc đấu tranh của đồng bào Nam Bộ từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946 đạt nhiều kết quả, trực tiếp góp phần làm chậm bước tiến của địch, để Đảng, Chính phủ, quân và dân cả nước có sự chuẩn bị chu đáo hơn, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhiều tham luận cũng đi sâu trình bày diễn biến chiến sự và làm rõ: Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, quân và dân Nam Bộ, trước hết là quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã anh dũng chiến đấu với tinh thần và ý chí sôi sục. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Huấn thị của Chính phủ Trung ương đối với Nam Bộ đã tiếp thêm nghị lực, quyết tâm cho quân và dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Với gậy tầm vông và mọi vũ khí có trong tay, quân và dân Nam Bộ đã kiên cường đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, khiến cho chúng hết sức bất ngờ, lúng túng…

Cùng với khẳng định ý nghĩa lịch sử to lớn, quan trọng, một số tham luận đã đi sâu phân tích và rút ra những bài học lịch sử và kinh nghiệm sâu sắc. Đó là các bài học về tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để tiến hành kháng chiến; về công tác huy động sức người, sức của chi viện chiến trường; về chỉ đạo tác chiến, tiến hành chiến tranh Nhân dân bảo vệ Tổ quốc, v.v… Những bài học này không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị hiện thực sâu sắc, góp phần vận dụng hiệu quả vào hoạt động xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. 

leftcenterrightdel

Hội thảo khoa học "Nam Bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử" (Ảnh: HM) 

Ông Võ Anh Tuấn, một trong những nhân chứng lịch sử chia sẻ: Đã 75 năm trôi qua, nhưng ký ức của một trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn còn nguyên vẹn trọng ông. Ông Tuấn cho biết: Là người chứng kiến những gian lao mà anh dũng nhất của dân tộc ta, bắt đầu từ những ngày Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn và Nam Bộ kháng chiến, với ông một trong những điều kỳ diệu của các sự kiện lịch sử đó là việc thành lập Thanh niên Tiền phong ngày 01/6/1945. Đây là sự sáng tạo vĩ đại của phong trào Nhân dân yêu nước ở Nam Kỳ, nhờ đó mà Đảng Cộng sản trong một thời gian tương đối ngắn đã có thể trở thành một đoàn thể có tổ chức và lực lượng lớn nhất ở Sài Gòn và toàn Nam Kỳ.

TP Hồ Chí Minh phát huy hào khí Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”

leftcenterrightdel

 Đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Đảng bộ và Nhân dân TP Hồ Chí Minh nguyện tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại. (Ảnh: HM) 

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định: Tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy hào khí Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”, TP Hồ Chí Minh hôm nay là sự tiếp nối xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đã làm được. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP đã chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn thử thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước làm nên những thắng lợi to lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển, TP Hồ Chí Minh đã “đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước”.

Từ cuộc Hội thảo khoa học này, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp thu được nhiều nội dung sâu sắc, nâng cao nhận thức về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh; khát vọng độc lập, tự do của miền Nam “đi trước, về sau”; sự ủng hộ của cả nước luôn hướng về miền Nam ruột thịt.

“Đảng bộ và Nhân dân TP Hồ Chí Minh nguyện tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng”, đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Với tham luận "Phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược", đồng chí Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Cùng với các chiến sỹ trên mặt trận, tham gia thực hiện chiến thuật “ trong đánh ngoài vây”, song song với việc tiếp tế, đảm nhiệm các công tác phía sau mặt trận, phụ nữ TP đã hăng hái tham gia xây dựng, ủng hộ chính quyền mới, vừa kháng chiến, đảm đương xuất sắc nhiệm vụ thể hiện tiếng nói yêu nước của mình, cùng với đồng bào, dân tộc tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến kiến quốc, thống nhất đất nước.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 23/9/1945 phụ nữ đã giành những sự chuẩn bị kỹ càng về vật chất lẫn tinh thần, cùng Nhân dân “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đấu tranh giành lấy “quyền tự do độc lập” như lời Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trải qua chín năm, phong trào đấu tranh của phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được đặt trong cuộc đấu tranh chính nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược, vì hòa bình, thống nhất của dân tộc để cuối cùng gặt hái được thắng lợi vẻ vang, buộc chính quyền Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954 kết thúc thắng lợi. Đó là quãng thời gian dài đánh dấu sự trưởng thành và phát triển sôi nổi của phong trào; nâng cao nhận thức ngày càng sáng rõ về vai trò của nữ giới và lý tưởng cách mạng.../.

 

 

 

 

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực