Nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng về phòng, chống mua bán người

Thứ sáu, 30/07/2021 22:22
(ĐCSVN) - Đây là năm thứ 06 Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" (30/7) nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với công tác phòng, chống mua bán người và tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng về phòng, chống mua bán người cho nhân dân, phụ nữ, trẻ em.

Ngày 30/7, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức sự kiện trực tuyến "Chung tay phòng, chống mua bán người". 

Đồng chủ trì có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam;  Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật và các cam kết quốc tế về phòng chống mua bán người với những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện những thủ đoạn mới tinh vi hơn, nạn nhân là những người yếu thế, phần đông là phụ nữ và trẻ em.

Đại biểu tham dự sự kiện thực hiện nghi thức cam kết chung tay phòng, chống mua bán người 

Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, đại dịch COVID-19 đã để lại những hệ quả tiêu cực, tội phạm mua bán người bất chấp thủ đoạn, tăng cường lợi dụng mạng xã hội để lừa bán nạn nhân trong nước. Chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm nay được Liên hợp quốc xác định là "Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động", khuyến nghị các quốc gia lấy nạn nhân làm trung tâm trong mọi giải pháp về phòng, chống mua bán người. Đây cũng là quan điểm, cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam và là nguyên tắc đã được khẳng định trong Luật phòng, chống mua bán người, bà Hà Thị Nga nói.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, hướng đến sự kiện này, trong tuần qua, cùng với các cấp, các ngành trong cả nước, các cấp Hội phụ nữ đã có nhiều hoạt động tuyên truyền đa dạng trên các kênh thông tin, các mạng xã hội nhằm cung cấp thông tin kịp thời tới hội viên, phụ nữ và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh đồng thời kêu gọi các cấp Hội Phụ nữ, cán bộ, hội viên, phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với ngành công an và các ngành, các cấp chủ động, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân; phát huy hiệu quả hoạt động của "Ngôi nhà bình yên", "Ngôi nhà nhân ái" để nơi đây thực sự là điểm tựa nâng đỡ chị em trở về, tái hòa nhập cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP Nguyễn Duy Ngọc, những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn ra phức tạp, xâm phạm đến những quyền cơ bản nhất của con người, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tội phạm mua bán người hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp; các đối tượng câu kết hình thành tổ chức, đường dây khép kín, hoạt động trên nhiều địa bàn, xuyên quốc gia; lợi dụng các trang mạng xã hội (facebook, zalo...) để tìm kiếm, môi giới, dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ và trẻ em bán ra nước ngoài hoặc trong nội địa. Phần lớn nạn nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị cần bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thông điệp của "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" năm 2021 là: "Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động" để tiếp tục hành động và triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác phòng, chống mua bán người.

Tại sự kiện, đối thoại về công tác phòng, chống mua bán người với sự tham gia của đại diện "Ngôi nhà bình yên" (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam), Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) và sự cam kết của các đại biểu tham dự tiếp tục thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội ở Trung ương và địa phương trong công tác đấu tranh, xử lý các vụ án mua bán người cũng như bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán để cùng nhau chung tay đẩy lùi tội phạm mua bán người, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Theo báo cáo toàn cầu về tình hình mua bán người năm 2020 của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm thì vào năm 2018 có khoảng 50.000 người được phát hiện và báo cáo là nạn nhân của mua bán người tại 148 nước và con số thực tế sẽ còn có thể cao hơn nhiều.  

Số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2016- 2020, mỗi năm các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 260 vụ, 340 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người. Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 nạn nhân, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Đáng chú ý, ngoài việc mua bán người nhằm mục đích hoạt động mại dâm, bóc lột sức lao động như trước đây, công an phát hiện một số trường hợp mua bán người nhằm mua bán trẻ sơ sinh, nội tạng, bộ phận cơ thể.
Hải Đăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực