Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình thêm tại phiên họp (Ảnh: KT)
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính gồm 3 chương và 44 điều. Dự thảo nghị quyết đã quy định chặt chẽ, cụ thể các tiêu chuẩn như: diện tích tự nhiên, quy mô dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc nhằm ổn định đơn vị hành chính, hạn chế tối đa việc chia làm tăng đơn vị hành chính. Việc xác định các mức tiêu chuẩn của từng loại đơn vị hành chính đã được nghiên cứu và xác định theo hướng cao hơn so với mức bình quân của các đơn vị hành chính nông thôn, có tính đến yếu tố vùng, miền trong cả nước.
Đồng thời, quy định tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị gồm thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thị xã; quận; phường; thị trấn. Các tiêu chuẩn như diện tích tự nhiên, quy mô dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc, vị trí, chức năng, vai trò, loại đô thị... đối với từng loại đơn vị hành chính đô thị.
Mặt khác, dự thảo cũng quy định tiêu chuẩn của đơn vị hành chính ở hải đảo phải đạt từ 30% trở lên tiêu chuẩn đơn vị hành chính tương ứng quy định tại nghị quyết.
Trong khi đó, theo dự thảo Nghị quyết về phân loại đô thị được Chính phủ trình Quốc hội, tiêu chí phân loại đô thị theo thứ tự gồm: về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; về quy mô dân số; về mật độ dân số; về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị. Dự thảo nghị quyết cũng quy định tiêu chí đô thị loại đặc biệt...
Thảo luận về các dự thảo Nghị quyết, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật và các ý kiến tại phiên họp đều đánh giá, về cơ bản các dự thảo nghị quyết có cơ cấu hợp lý, đã thể hiện đủ và cụ thể các nội dung mà trong Luật tổ chức chính quyền địa phương giao UBTVQH quy định chi tiết bao gồm: tiêu chuẩn cụ thể của các đơn vị hành chính; tiêu chuẩn cụ thể của các tiêu chí phân loại đơn vị hành chính và việc phân loại đô thị.
Tuy nhiên, các thành viên UBTVQH đã bày tỏ nhiều băn khoăn về các quy định tại các dự thảo nghị quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân vân không biết cơ quan soạn thảo có tính đến xu thế chuyển dịch lớn của cư dân nông thôn về các đô thị, từ nơi phát triển kinh tế thấp kém sang khu vực kinh tế phát triển. Hơn nữa việc chuyển dịch này không chỉ ở tầm quốc gia mà tầm thế giới. “Đây là thực tế, thế nhưng những tiêu chí đưa ra vẫn sử dụng những căn cứ cũ mà thiếu sự phân tích, sắp xếp lại” – ông đánh giá.
Từ đó, ông cho rằng, 4 tiêu chí quan trọng lần lượt gồm: quy mô dân số, quy mô nền kinh tế, diện tích và đơn vị hành chính. Ông lí giải quy mô dân số cần được xếp hàng đầu bởi dân số sẽ tập trung về nơi có điều kiện phát triển tốt nhất, ở đó cũng là nơi có năng suất lao động cao nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đặt vấn đề tiêu chí địa giới hành chính phần lớn dựa vào diện tích và dân số nhưng xu hướng hiện nay rất nhiều địa phương muốn chia tách ra. Vậy quy định như thế này thì liệu khi ban hành nghị quyết các địa phương có đề nghị chia tách nhiều không? “Không khéo chưa ban hành thì chia tách ít, đến khi ban hành lại chia tách nhiều” – ông lo ngại.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đặt câu hỏi khi ra đời, các Nghị quyết sẽ tác động đến các cấp như thế nào?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, với các đô thị thì hiện nay vấn đề môi trường, ô nhiễm, rác thải là vấn đề rất lớn. Vì vậy đề nghị Nghị quyết nên có một tiêu chuẩn về môi trường riêng để các đô thị phát triển bền vững.
Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chia sẻ khi nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị quyết đã tiếp cận và nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn về phát triển và phân loại đô thị, xem xét quy luật phát triển đô thị trên thế giới. Bộ trưởng cũng đồng tình cho rằng, trong các tiêu chí phân loại đô thị thì tiêu chí dân số hết sức quan trọng.
Về các ý kiến cho rằng, không nên quy định tiêu chuẩn đô thị loại đặc biệt vì Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là các đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh việc xác định các tiêu chí của loại đô thị đặc biệt không nhằm để xem xét công nhận loại đô thị đặc biệt cho 2 thành phố trên mà để kiểm soát chất lượng đô thị tại các khu vực trong thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các tiêu chuẩn đô thị loại đặc biệt là cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch dự án đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch được duyệt. Bên cạnh đó, các luật hiện hành như Luật Thủ đô, Luật tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định nội dung này. Vì vậy Chính phủ đề nghị giữ lại quy định này trong dự thảo Nghị quyết.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng giải trình thêm về tiêu chuẩn của đô thị, về thành lập đơn vị hành chính đô thị ở địa bàn có yếu tố đặc thù, quy định xác định yếu tố đặc thù...
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ cùng cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan hữu quan cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi thông qua./.