Ngành Tư pháp nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Thứ bảy, 01/09/2018 12:49
(ĐCSVN) - Phát huy truyền thống 73 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cách đây 73 năm, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ra tuyên cáo trước Quốc dân đồng bào, cũng như toàn thế giới, về việc thành lập Nội các Thống nhất quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp do ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng.

Khẳng định vị thế của ngành Tư pháp

Trải qua những giai đoạn của lịch sử, ngành Tư pháp, với chức năng xuyên suốt là xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về công tác pháp luật và các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đã bám sát thực tiễn trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành và tổ chức thi hành những chính sách pháp luật quan trọng, xây dựng các thiết chế pháp luật, tư pháp phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Đặc biệt, trong thời kỳ Đổi mới, ngành Tư pháp đã và đang từng bước tích cực đổi mới tư duy chính trị - pháp lý trong việc nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng các chiến lược quốc gia về pháp luật, tư pháp phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính dự báo và chất lượng của các chương trình lập pháp, lập quy theo các nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, cũng như việc hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, nghề Tư pháp; vươn lên trở thành “cơ quan tham mưu” tin cậy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện đường hướng phát triển lĩnh vực pháp luật và tư pháp của đất nước thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế.

Ngành Tư pháp vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. (Ảnh: TH).

Cùng với đó, việc hoàn thiện tổ chức, thể chế quản lý các lĩnh vực và hoạt động của ngành Tư pháp theo lộ trình, định hướng trong các chiến lược quốc gia và chiến lược phát triển Ngành được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt công tác, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Chủ động và tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật. Xử lý có hiệu quả các vấn đề pháp lý trong hội nhập quốc tế, tham gia các điều ước quốc tế, các thiết chế pháp lý đa phương toàn cầu, như Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế, Tổ chức Luật phát triển quốc tế, Tổ chức tham vấn pháp luật Á - Phi...

Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Chiến lược cải cách tư pháp được đẩy mạnh, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 vào các văn bản quy phạm pháp luật. Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Cùng với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, công tác tổ chức thi hành pháp luật cũng được toàn ngành Tư pháp tổ chức thực hiện tốt thông qua việc đổi mới phương thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện và xử lý phát hiện những quy định “trên trời”, bất hợp lý, nhất là các quy định liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp,  bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; được dư luận hoan nghênh, khẳng định vị thế ngành Tư pháp trong đời sống xã hội, trở thành người gác cửa tin cậy cho Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương.

Công tác thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực; công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp tiếp tục có những chuyển biến rõ nét; việc xã hội hóa tiếp tục được đẩy mạnh với bước đi và lộ trình phù hợp, đóng góp tích cực vào tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Công tác đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, tư pháp cũng đã được ngành Tư pháp đặc biệt chú trọng, đặt vào vị trí trung tâm vừa là khâu đột phá, vừa là nhiệm vụ chiến lược trong công tác của Ngành, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ pháp luật, tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh cho đất nước.

Đáng chú ý, thực hiện chủ trương xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả”, trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm rất cao trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật, với vai trò cơ quan tham mưu, lực lượng “chủ công”, Bộ, ngành Tư pháp coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, theo đó, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền  con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp...

Những nỗ lực và thành tựu đạt được của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cao quí như: Năm 1995, ngành Tư pháp được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; năm 2010, đón nhận Huân chương Sao Vàng, năm 2015 được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất...

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 73 năm và nhất là so với những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, hoạt động của ngành Tư pháp còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Chưa tham mưu được một cách đầy đủ cho Chính phủ và Quốc hội giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật còn phức tạp, nhiều tầng nấc, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; pháp luật chậm đi vào cuộc sống, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật chưa cao; công tác thi hành án dân sự, hành chính vẫn còn tiềm ẩn yếu tố chưa bền vững; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực hành chính tư pháp chậm được đổi mới; việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý thực hiện còn khó khăn, lúng túng; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác pháp luật, tư pháp còn hạn chế…

Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế

Điểm lại những thành tựu chủ yếu của ngành Tư pháp trong 73 năm qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: “Các mặt công tác Tư pháp đã có sự trưởng thành vượt bậc, đang ngày càng thấm sâu vào từng việc làm thiết thực, giúp cho quốc kế, dân sinh; ngày càng gắn kết, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu pháp lý về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận”.

Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, ngành Tư pháp muốn mạnh lên phải xuất phát từ yếu tố con người. “Yếu tố con người trong sứ mệnh đưa ngành tư pháp mạnh lên, trong đó cần phát huy cao nhất khát vọng cống hiến và sáng tạo của mỗi cán bộ, công chức ngành tư pháp”.

Nhấn mạnh bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước -  thời kỳ xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, công tác Tư pháp ngày càng quan trọng hơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp cần ý thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình, tham gia tích cực và có hiệu quả hơn nữa vào việc thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng và chủ động đề xuất những giải pháp để kịp thời giải quyết những vấn đề mới, phức tạp của thực tiễn.

Trong nhiều nỗ lực thực hiện tốt thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và phục vụ người dân, doanh nghiệp”  và nhiệm vụ đưa ngành Tư pháp mạnh lên, với vai trò “gác cửa”, Bộ Tư pháp cần tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, một nhiệm vụ quan trọng nhất, cơ bản nhất của Chính phủ kiến tạo phát triển; tập trung xây dựng pháp luật, gắn với đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả hơn.

Cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp quyết tâm không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Tư pháp theo tấm gương của Bác Hồ, đề cao trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, thực hành phê và tự phê sâu sắc, thực chất, thực lòng theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn; kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, hoàn thành xuất sắc công tác Tư pháp của đất nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của Nhân dân.

“Với truyền thống tốt đẹp vốn có của mình, chúng ta quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó vì sự phát triển của đất nước”, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực