Người có công phải được hưởng lợi hơn, được tiếp cận chính sách tốt hơn

Thứ hai, 03/07/2017 15:53
(ĐCSVN) – “Chỉ thị mới thì phải có điểm mới, mà người có công phải được hưởng lợi hơn, được tiếp cận chính sách tốt hơn và cần có lộ trình thực hiện”.

Đây là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác người có công với cách mạng.


Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: KT)

Sáng 3/7, Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác người có công với cách mạng để lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án và các cơ quan, đơn vị liên quan. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã tập trung đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và dự thảo chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Trong đó, các ý kiến đều thống nhất trên cơ sở tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được đối với công tác chăm sóc người có công với cách mạng trong 10 năm qua, kể từ khi thực hiện các nội dung Chỉ thị số 07/CT-TW của Ban Bí thư ngày 14/12/2006 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “đền ơn đáp nghĩa”; đồng thời căn cứ vào thực tiễn công tác người có công thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhiều vấn đề mới phát sinh... nên cần thiết ban hành chỉ thị mới về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, Ban chỉ đạo Đề án cần hoàn thiện các văn bản gồm: đề án, tờ trình, dự thảo chỉ thị, các phụ lục. Trong đó, Đề án cần đánh giá sâu sắc hơn những mặt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về người có công. Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh “trong chính sách xã hội thì chính sách người có công là hàng đầu, toàn Đảng, Nhà nước, toàn xã hội đều rất quan tâm”. Đồng thời khẳng định, nhìn chung chính sách ưu đãi người có công đã phản ánh vai trò, trách nhiệm chủ đạo của Nhà nước, phát huy được sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương và  huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, khuyến khích trách nhiệm của toàn xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống của người có công và gia đình.

Tuy nhiên, đồng chí Trương Thị Mai cũng cần làm rõ chính sách ưu đãi người có công vẫn còn bộc lộ những bất cập như chế độ ưu đãi về trợ cấp còn thấp, còn một bộ phận người có công chưa được xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi...

Về dự thảo chỉ thị, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị thiết kế thành các điểm như: Tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức đảng, cấp ủy đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, xã hội, các tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân; Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt quan tâm giáo dục thế hệ trẻ về trách nhiệm với người có công; hoàn thiện chính sách và thể chế hóa; Bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách ưu đãi; tập trung giải quyết những vấn đề vướng mắc tồn tại, hạn chế và đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Đặc biệt, theo đồng chí Trương Thị Mai, dự thảo chỉ thị cần đưa ra những mục tiêu cụ thể liên quan đến đời sống người có công.

Chốt lại phần phát biểu, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh “Chỉ thị mới thì phải có điểm mới, mà người có công phải được hưởng lợi hơn, được tiếp cận chính sách tốt hơn và cần có lộ trình thực hiện”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu (Ảnh: KT)

Qua các ý kiến góp ý của các thành viên cũng như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trương Thị Mai, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tiếp thu các ý kiến. Trong đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Kiến nghị Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác người có công với cách mạng thay thế Chỉ thị số 07/CT-TW của Ban Bí thư ngày 14/12/2016.

Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh sửa đổi toàn diện thay thế Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành với nội hàm mở rộng vấn đề, toàn diện theo hướng Pháp lệnh ưu đãi người có công với đất nước và có lý giải vì hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau muốn nâng Pháp lệnh lên thành luật.

Về vướng mắc đối với thế hệ thứ 3 nhiễm chất độc màu da cam, Bộ trưởng cho rằng cần có chủ trương mở rộng đối tượng này để đưa vào Pháp lệnh.

Về định mức phấn đấu trong chỉ thị, Bộ trưởng đề nghị phấn đấu đến năm 2020, 100% các gia đình người có công phải có mức sống cao hơn mức sống trung bình ở địa phương, bên cạnh đó cần đề cập đến việc nâng mức trợ cho người có công lên cao hơn.

Với giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, sẽ phấn đấu đến năm 2020 giải quyết căn bản số hồ sơ người có công còn tồn đọng với đất nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, trong chỉ thị đề xuất kiên quyết xử lý nghiêm minh tất cả các trường hợp trục lợi chính sách.../.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực