Người đứng đầu phải có trách nhiệm tham gia đối thoại với công nhân lao động theo đúng quy định

Thứ ba, 24/04/2018 22:26
(ĐCSVN) - Về tổ chức hội nghị đối thoại với công nhân lao động, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung nêu rõ, theo quy định, người đứng đầu sẽ có trách nhiệm tham gia đối thoại với CNLĐ. TP sẽ nhắc nhở Chủ tịch UBND các quận, huyện thực hiện đối thoại theo đúng quy định.

Trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI, chiều 24/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã có cuộc đối thoại với các đại biểu và hàng trăm công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc tại các KCN-CX trên địa bàn TP.

Đây là hoạt động đổi mới với phương châm tất cả vì NLĐ của Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần này.


Đại biểu dự Đại hội nêu kiến nghị với Chủ tịch UBND TP - Ảnh: Cẩm Linh

Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Tuyến, thời gian qua, LĐLĐ TP đã nhận được rất nhiều kiến nghị của CNVCLĐ. Đơn cử như về đời sống việc làm, CNLĐ đề nghị UBND TP và Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng thêm thiết chế văn hóa; đẩy nhanh dự án xây dựng nhà ở cho CNLĐ tại KCN Thăng Long, Quang Minh, KCN Thăng Long.

Về vấn đề an toàn giao thông, an ninh trật tự, CNLĐ mong muốn có biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại KCN Thăng Long, lắp thêm hệ thống đèn báo giao thông, biển hạn chế tốc độ cũng như hỗ trợ các tổ công nhân tự quản tại các nhà trọ, các KCN.

Bên cạnh đó, việc nợ đọng đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đang ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, cuộc sống của nhiều người lao động. Vì vậy, cần xem xét khởi tố, xử lý những đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm. Các doanh nghiệp khi di dời tại KCN Bắc Từ Liêm – Hà Nội cần đảm bảo đời sống, việc làm cho công nhân lao động….

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã lần lượt trả lời các câu hỏi, kiến nghị của đại biểu, CNLĐ.

Về kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp đang thuê đất ở KCN Đài Tư, Chủ tịch TP cho biết sẽ có văn bản cụ thể trả lời LĐLĐ TP trước ngày 10/5.

Về vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, từ năm 2014, TP đã có kế hoạch xây dựng nhà ở thu nhập thấp cho sinh viên, CNLĐ. Theo đó, TP sẽ xây dựng 6,2 triệu m2 nhà ở cho người có thu nhập thấp đến nay, đã xây dựng 3,5 triệu m2, còn 2,5 triệu m2 đang triển khai.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời kiến nghị của đại biểu và CNLĐ - Ảnh: Cẩm Linh

Mới đây, TP đã họp với các sở, ban, ngành liên quan để có cơ chế xây nhà ở cho sinh viên, công nhân. Với các dự án này, TP đều không thu tiền sử dụng đất của chủ đầu tư, phấn đấu đưa mức giá dưới 15 triệu đồng/m2 cho người thu nhập thấp. TP cũng đang kêu gọi xúc tiến đầu tư, xây dựng nhà ở KCN Quang Minh, bổ sung xây nhà ở tại KCN Bắc Thăng Long, Quốc Oai.

Tuy nhiên, các dự án chưa hoàn thành do có những vướng mắc từ quy định của Chính phủ, đó là căn hộ trên địa bàn diện tích thấp nhất là 45 m2, muốn có căn hộ dưới 400 triệu đồng để CNLĐ có thể mua thì phải giảm diện tích. TP đang đề xuất với Chính phủ và Bộ Xây dựng xây dựng diện tích căn nhà ở 35-40 m2, phù hợp với gia đình có 4 thành viên.

Về xây dựng trạm y tế trong KCN, lãnh đạo TP sẽ bàn với Ban quản lý KCN dành đất bởi đây là đề xuất hoàn toàn chính đáng. Việc xây trường mầm non cho con công nhân, TP cũng sẵn sàng xây dựng khi có con số chi tiết, số liệu cụ thể.

Riêng về vấn đề thiếu xe buýt tại KCN Thăng Long, Chủ tịch TP cho biết đã trao đổi với Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và ngay lập tức sẽ có điều chỉnh.

Về chính sách đối với cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục nhiều nơi thu nhập còn thấp chưa đảm bảo cuộc sống, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho hay, thời gian tới, TP sẽ tiến hành rà soát lại thu nhập của NLĐ trên các lĩnh vực. Nếu bất cập thuộc phạm vi chức năng của TP thì TP sẽ có cơ chế, chính sách điều chỉnh; còn thuộc về Nhà nước thì TP sẽ có kiến nghị, đề xuất.

Về tổ chức hội nghị đối thoại với CNLĐ, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu rõ, theo quy định, người đứng đầu sẽ có trách nhiệm tham gia đối thoại với CNLĐ. TP sẽ nhắc nhở Chủ tịch UBND các quận, huyện thực hiện đối thoại theo đúng quy định.

Liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chủ tịch UBND TP cho hay, hiện Chính phủ và các bộ, ban, ngành, các cơ quan chức năng của TP đang nghiên cứu những tác động ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 và sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ, đào tạo nghề cho NLĐ.

Về ý kiến của một số CNLĐ  liên quan đến chế độ, chính sách cho NLĐ, Chủ tịch TP nêu rõ, việc đòi hỏi chế độ, chính sách cho NLĐ phải dựa trên nền tảng các quy định của pháp luật và hoạt động lao động của chủ đầu tư với người lao động. LĐLĐ TP cần chỉ đạo công đoàn cơ sở nắm rõ nội dung, quy định ký kết giữa chủ lao động với người lao động; từ đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tìm hiểu, giải quyết những bức xúc của NLĐ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ./.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực