Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự hài lòng với kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII

Thứ ba, 12/04/2016 16:56
(ĐCSVN) – Đánh giá về kỳ họp thứ 11-kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu bày tỏ sự hài lòng với kết quả đạt được; đồng thời mong muốn, hoạt động của Quốc hội khóa tới tiếp tục có sự đổi mới hơn nữa để mỗi Kỳ họp thật sự là diễn đàn của những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân.

Đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đa số đại biểu nhận định, đây là một kỳ họp thành công và thể hiện rõ sự dân chủ. Thành công và dân chủ khi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn có những tranh luận và đóng góp ý kiến thẳng thắn, quyết liệt. Các ĐBQH đã thẳng thắn đóng góp vào những điều chưa làm được của Quốc hội để làm bài học cho Quốc hội khóa sau. ĐBQH đã thể hiện rất rõ chính kiến của mình trước những lá phiếu bầu và phê chuẩn các chức danh quan trọng trong bộ máy nhà nước và các vị trí lãnh đạo của các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa): Chủ tịch Quốc hội mới đã điều hành kỳ họp tròn vai


Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa). Ảnh: TN

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình nội dung đề ra. Chủ tịch Quốc hội mới đã điều hành kỳ họp tròn vai. Mặc dù là kỳ họp cuối, nhưng các nội dung thảo luận về kinh tế- xã hội, đặc biệt là tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp đã được chuẩn bị rất kỹ. Nhiều tiếng nói đóng góp, chất lượng của các phiên họp để đánh giá tổng kết nhiệm kỳ rất sôi nổi. Cử tri hoan nghênh khi các ĐBQH nói những điều gan ruột, trọng đại của đất nước như về kinh tế, xây dựng nhà nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, ĐBQH đã nói được những tâm tư, bức xúc, mong đợi của cử tri gửi gắm cho nhiệm kỳ sau.

Đặc biệt, lần đầu tiên, trước cờ đỏ sao vàng, trước Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” là điều tôi rất ấn tượng. 

Kỳ họp tới, tôi kỳ vọng chất lượng ĐBQH sẽ tốt hơn bởi số lượng ĐBQH chuyên trách sẽ nhiều hơn. Các đại biểu chuyên trách này sẽ toàn tâm toàn ý cho Quốc hội, sẽ có điều kiện và thời gian cống hiến cho Quốc hội tốt hơn. Tôi cho rằng, có nhiều ĐBQH chuyên trách tốt hơn thì chắc chắn hoạt động của Quốc hội sẽ tốt hơn theo đúng mong đợi của cử tri.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội đã tạo được nhiều điểm nhấn quan trọng

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đánh giá, nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội đã tạo được nhiều điểm nhấn quan trọng. Đầu tiên là việc thực hiện Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã thông qua 107 Luật, bộ Luật, cụ thể hóa các điểm mới. Đây là một dấu ấn quan trọng trong thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp của Quốc hội. Đồng thời, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã có sự thay đổi cách thức hoạt động: đối với mỗi vấn đề, Quốc hội đều phân tích, mổ xẻ kỹ trên cơ sở có những căn cứ về khoa học cũng như thực tiễn để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Điển hình như: quyết định đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định theo thẩm quyền của Quốc hội về việc phân bổ sử dụng ngân sách Nhà nước; việc kết hợp các chương trình mục tiêu Quốc gia.

Cũng tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã thông qua kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm để làm tiền đề cho Chính phủ điều hành kinh tế, sớm hơn so với các nhiệm kỳ trước. Với chức năng giám sát, tại nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành giám sát một cách đồng bộ, bài bản nhiều chuyên đề quan trọng, đặc biệt là việc chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thủ tướng và thành viên của Chính phủ được tiến hành một cách bài bản, thường xuyên. Qua hoạt động này, Quốc hội ra Nghị quyết để Chính phủ có căn cứ thực hiện, bảo đảm thực hiện lời hứa trước cử tri và nhân dân. Đó là việc thực hiện các nhiệm vụ rất quan trọng đối với chức năng của Quốc hội.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu): Kỳ họp thành công, tạo được sự đồng thuận của cử tri và ĐBQH

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu). Ảnh: Đỗ Thoa

Có thể nói, kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII là kỳ họp thực hiện nhiều công việc quan trọng. Theo đánh giá của bản thân tôi cũng như của nhiều ĐBQH, đây là kỳ họp khá thành công. Quốc hội tiếp tục thông qua một số dự án luật để hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội Khóa XIII về chương trình xây dựng pháp luật.

Một nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri, đồng bào cả nước và ĐBQH là việc hoàn thiện công tác nhân sự, đặc biệt là vị trí lãnh đạo cấp cao của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, phục vụ cho công tác quản lý của đất nước. So với các giai đoạn trước kia thì tình hình đất nước có nhiều đổi mới, do vậy công tác nhân sự cũng phải kịp thời để bảo đảm phù hợp yêu cầu của công tác quản lý của đất nước trên cơ sở phát huy kết quả của Đại hội Đảng lần thứ 12 vừa qua.

Tôi cho rằng, việc hoàn thiện một bước hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã thành công tốt đẹp thì công tác tổ chức của chúng ta là rất kịp thời; là việc làm cần thiết để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng. Có thể nói, việc kiện toàn một bước nhân sự tại Kỳ họp thứ 11 là điều kiện quan trọng để triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng vào trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ thì mới hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã nêu.

Do vậy, tôi cho rằng, đây là kỳ họp khá thành công, tạo được sự đồng thuận cao, sự ủng hộ của các ĐBQH. Các ĐBQH và cử tri rất kỳ vọng vào hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước sau khi được kiện toàn, đặc biệt, là các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội. ĐBQH, cử tri và nhân dân kỳ vọng vào vị trí lãnh đạo của Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các vị trí quan trọng khác cũng như các thành viên Chính phủ. Đây là nhân tố góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Kỳ họp cuối nhiệm kỳ nhưng ý kiến của các ĐBQH rất sôi nổi, thẳng thắn, quyết liệt

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Ảnh: T.H

Tôi đã từng tham dự 3 kỳ họp cuối cùng của QH (Khóa XI, XII và nay là khóa XIII). Tuy mỗi kỳ họp đều có những dấu ấn riêng nhưng điều dễ nhận thấy là kỳ họp cuối khóa nên dường như việc tham gia phát biểu của các ĐBQH ở các Khóa XI, XII có phần trầm lắng bởi tâm lý chung hoặc “dễ tính” cho qua, hoặc “chấp nhận” không tranh cãi…

Nhưng ở kỳ họp cuối của Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 này, tôi thấy hiện tượng trên đã không xảy ra. Ngay từ các buổi thảo luận đầu tiên ở tổ, ở Đoàn ĐBQH đến phiên thảo luận tại hội trường về công tác xây dựng luật, nghị quyết của QH, xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch Nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước…ý kiến của các ĐBQH rất sôi nổi, thẳng thắn, nhiều chiều, không kém phần gay gắt, quyết liệt, được dư luận cử tri và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao.

Nhiều nội dung rất mới được tiến hành tại kỳ họp này. Có lẽ chưa có kỳ họp cuối nhiệm kỳ nào mà việc kiện toàn nhân sự chủ chốt các cơ quan trong bộ máy Nhà nước ở Trung ương được tổ chức với số lượng nhiều và đồng loạt như thế, với tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ đã được nâng lên một bước. Nhiều người coi đây là “sự chuyển giao quyền lực” cho lớp kế cận để bảo đảm đồng bộ với kết quả bầu cử tại Đại hội 12 của Đảng.

Đặc biệt, lần đầu tiên cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tiến hành bầu nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối. Ngay sau lời tuyên thệ nhậm chức cũng là lần đầu tiên được tổ chức, lịch sử Việt Nam từ nay khắc ghi một dấu son nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trở thành một trong “Tứ trụ”, tạo nên niềm xúc động thiêng liêng, tự hào ngay trong Quốc hội và cử tri cả nước.

Việc kiện toàn nhân sự ở các vị trí lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ... cùng với việc bầu hai Phó chủ tịch Quốc hội, các ủy viên UBTVQH, Chủ tịch HĐDT, chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội…được ĐBQH và cử tri đồng tình với nhiều kỳ vọng về trách nhiệm của các vị lãnh đạo trên các cương vị công tác mới./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực