Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế châu Á

Thứ hai, 19/04/2021 17:37
(ĐCSVN) – Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2021 có chủ đề: “Một thế giới thay đổi: Chung tay tăng cường quản trị toàn cầu và thúc đẩy hợp tác Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)” đã khai mạc ngày 18/4 tại thành phố duyên hải Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao khai mạc ngày 18/4 tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh: VCG)

Diễn đàn thường niên diễn ra từ 18-21/4 sẽ là cơ hội giúp các nước châu Á củng cố niềm tin vào việc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế cũng như xây dựng lại niềm tin giữa các quốc gia trong quá trình chuyển đổi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Diễn đàn có sự tham dự của đông đảo các quan chức chính phủ các nước, các học giả cùng hơn 1.200 nhà báo từ hơn 128 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trước thềm hội nghị thường niên năm 2021, Diễn đàn BFA đã công bố các báo cáo về triển vọng kinh tế châu Á dưới tác động của đại dịch COVID-19. Theo báo cáo, tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á đã sụt giảm đáng kể trong năm 2020. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của châu lục này vẫn có nhiều điểm sáng trong bức tranh thế giới toàn cảnh. Các nền kinh tế châu Á đã đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy nền kinh tế số, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật số... Nền kinh tế số đã giúp phục hồi sản xuất, ổn định tình hình kinh tế và trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế châu Á trong tương lai. BFA cũng cho rằng tiến trình hội nhập của các thị trường tài chính châu Á được duy trì ổn định.

Trong đó, báo cáo trích dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng ít nhất 6,5% trong năm 2021, cho thấy sự phục hồi đáng kể so với mức giảm 1,7% trong năm 2020. Theo BFA, trong năm nay, khu vực Nam Á sẽ chứng kiến mức tăng trưởng đạt 9,7% trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Trong quý I/2021, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 18,3%.

Báo cáo cũng trích dẫn số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho hay, tính đến tháng 2/2021, 186 Hiệp định thương mại khu vực đã có hiệu lực, chiếm gần 55% tổng số Hiệp định thương mại trên toàn cầu. Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020 sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế châu Á.

Báo cáo của BFA cho biết, nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả cũng như các hoạt động sản xuất được khôi phục ở Trung Quốc và Hàn Quốc đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế tích cực của châu Á trong năm nay.  

Diễn đàn BFA tổ chức hội nghị thường niên định kỳ tại thành phố duyên hải Bác Ngao, Hải Nam, Trung Quốc. Diễn đàn này do 25 nước châu Á và Australia thành lập năm 2001 nhằm tạo môi trường đối thoại cấp cao cho Chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực châu Á. Diễn đàn BFA năm nay cũng tập trung vào các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và kỹ thuật số.

Tuyên bố của BFA khẳng định,  2021 là năm mang ý nghĩa quan trọng với tổ chức này và cả tiến trình hợp tác của khu vực châu Á, bởi năm nay là tròn 20 năm diễn đàn này ra đời.

Diễn đàn BFA 2020 đã phải tạm hoãn do tình hình đại dịch COVID-19. Theo dự kiến ban đầu, Hội nghị thường niên của Diễn đàn BFA 2020 được tổ chức từ ngày 24-27/3 tại Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Được biết, BFA là một trong những diễn đàn đối thoại quan trọng giữa châu Á và các nền kinh tế mới nổi, được biết đến như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos) của châu Á và được tổ chức định kỳ hằng năm nhằm tạo môi trường đối thoại cấp cao cho Chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả, để thúc đẩy hợp tác kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực châu Á./.

Hoài Hà (Theo Global Times)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực