Những sáng kiến làm lợi hàng chục tỷ đồng

Thứ bảy, 26/02/2022 17:10
(ĐCSVN) - Họ là những người đam mê với công việc, gắn bó trực tiếp với sản xuất, liên tục đưa ra những sáng kiến làm lợi cho công ty bằng những con số lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tiếp nhận sản phẩm mới là tìm cách tối ưu hóa một cách nhanh nhất

Năm 2014 ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, anh Dương Văn Hùng quyết định chọn Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên là nơi làm việc. 

"Công ty luôn khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động cải tiến bằng nhiều hình thức như: tổ chức các cuộc thi nội bộ về cải tiến thường niên, trao tặng giải thưởng cho các ý tưởng hay, tạo điều kiện đưa nhân viên sang Hàn Quốc tham dự các cuộc thi cải tiến của Tập đoàn.... Trong môi trường làm việc như vậy, không chỉ tôi mà hầu hết các nhân viên đều hào hứng đưa ra các sáng kiến. Hằng năm có hàng chục nghìn sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, mang lại nhiều đóng góp hữu ích", chàng trai quê Phú Bình, Thái Nguyên nói.

Có nhiều cơ hội để phát huy khả năng, kiến thức học tập trong nhà trường, với riêng Dương Văn Hùng, từ năm 2018-2020 anh đã có hơn 50 ý tưởng cải tiến lớn, nhỏ được ghi nhận. Năm 2021, sáng kiến “Cải tiến dụng cụ trong công đoạn xử màu” của kỹ sư trẻ này khi đưa vào sản xuất tính riêng từ ngày 1/3-14/4/2021 đã làm lợi cho công ty trên 3,843 tỷ đồng và ước tính mỗi năm làm lợi khoảng 30,7 tỷ đồng. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao bằng Lao động sáng tạo cho anh Dương Văn Hùng

"Trí tuệ Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Mỗi khi tiếp nhận dòng sản phẩm mới, tôi đều dành thời gian nghiên cứu và tìm cách tối ưu hóa các công đoạn một cách nhanh nhất có thể. Để thực hiện thành công sáng kiến “Cải tiến dụng cụ trong công đoạn xử màu” đòi hỏi nhiều kiến thức và cả thách thức. Tôi đã nhận ra các lỗi gây bẩn và xước trong công đoạn tạo màu và độ cứng cho bề mặt khung điện thoại. Ngay khi nhận thấy vấn đề, tôi và đồng nghiệp đã lập tức nghiên cứu và nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết bằng sáng kiến đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Đó là tận dụng khay nhựa có sẵn, kết hợp với khung inox để thay thế khay công cụ bằng kim loại”, kỹ sư Hùng chia sẻ.

Cũng nhờ có cải tiến này mà thời gian thao tác tháo lắp sản phẩm đã giảm 14 lần, tình trạng bẩn và xước gần như được loại bỏ. Đáng chú ý, cải tiến này còn có thể áp dụng cho tất cả các dòng sản phẩm khác, Phó phòng Phát triển sản phẩm mới công đoạn xử lý bề mặt Dương Văn Hùng cho hay.

Tình yêu nghề, bám sát thực tiễn là động lực vượt qua những khó khăn

Với sáng kiến “Nghiên cứu, chỉ đạo lập biện pháp và chỉ đạo thi công khấu vượt phay lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 vỉa 7 công suất 1,2 triệu tấn/năm đảm bảo an toàn, hoàn thành kế hoạch sản lượng TKV giao”, anh Phạm Thành Công, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ mỏ, Công ty CP Than Hà Lầm (TKV) đã làm lợi cho Công ty hơn 33,6 tỷ đồng.

"Từ đầu năm 2020, lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 vỉa 7 gặp phải tình trạng đứt gãy địa chất, lò chợ phải cắt đá trụ từ dàn số 20 đến 100 trên tổng số 102 dàn (tương đương 120m/156m), chiều cao cắt đá từ 0,2-3m, trung bình 2m, đặc biệt đoạn từ 30-80m của lò chợ phải cắt đá kín gương than. Lò chợ phải khoan nổ mìn, cắt đá nên tiến độ chậm, sản lượng thấp, tốn nhiều chi phí cắt đá và hao tổn sức lực của người thợ nên chỉ đạt trung bình 40.000-45.000 tấn/tháng, trong khi kế hoạch là 70.000 tấn/tháng, sản lượng dự kiến hết năm chỉ đạt 738.000 tấn. Theo tài liệu địa chất dự kiến phía trước lò chợ, nếu khấu lò chợ theo tuyến lò thông gió hiện tại, lò chợ sẽ cắt đá đến hết diện sản xuất và sẽ không hoàn thành sản lượng theo kế hoạch TKV giao", anh Phạm Thành Công kể lại.

Anh Phạm Thành Công (ngoài cùng bên trái) chia sẻ tại lễ tuyên dương các điển hình trong chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức

Sau khi nghiên cứu tài liệu địa chất trong khu vực và phía trước lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 khu I vỉa 7, vị Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ mỏ này đã đề xuất giải pháp đào cải tạo lò thông gió lò chợ 7-3.1 phần nóc bốc cao hơn 1,5-2m với lò thông gió cũ, kết hợp điều chỉnh dốc độ khấu lò chợ theo hướng dốc, theo phương để lò chợ khấu nâng nền vượt qua lớp đá phát sinh do đứt gãy địa chất trong lò chợ, đưa lò chợ về trạng thái giảm cắt đá để tăng năng suất lao động. Đồng thời kết hợp với phòng Trắc địa, địa chất cập nhật dốc độ và điều kiện địa chất hàng tuần để chỉ đạo công trường thực hiện.

Sáng kiến này đã được lãnh đạo Công ty CP Than Hà Lầm đánh giá cao về tính thực tiễn, đặc biệt có thể áp dụng đối với các lò chợ cơ giới hóa trong Công ty cũng như trong Tập đoàn khi lò chợ gặp phay phá, cắt đá. Đây cũng là giải pháp lần đầu áp dụng để khấu lò chợ cơ giới hóa khống chế độ dốc theo phương tại Công ty cũng như trong toàn Tập đoàn.

"Sau khi thực hiện khấu lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 khu I vỉa 7 vượt phay theo phương án, lò chợ đã giảm cắt đá, chiều dài cắt đá còn lại theo hướng dốc lò chợ 30m, chiều cao cắt đá 0,2-1,2m. Sản lượng than tăng dần, kết thúc năm 2020 đạt 858.000/738.000 tấn than, tăng 120.000 tấn so với dự kiến, giá trị làm lợi hơn 33,6 tỷ đồng.

Sang năm 2021, than Hà Lầm vẫn áp dụng phương án để khấu lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 khu I vỉa 7 nhằm kiểm soát điều kiện địa chất, khống chế khối lượng cắt đá trong lò chợ. Hiện tại về cơ bản, lò chợ đã khấu vượt qua lớp đá phát sinh do đứt gãy địa chất trong lò chợ, sản lượng than đạt trung bình 65.000-70.000 tấn/tháng, góp phần dự kiến hoàn thành kế hoạch sản lượng than TKV giao cho Công ty năm 2021 là 2,35 triệu tấn. 

Chính tình yêu nghề, bám sát thực tiễn đã giúp tôi xác định để rồi vượt qua những khó khăn trong quá trình sản xuất, đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm cải tạo môi trường làm việc cho người lao động", anh  Phạm Thành Công hồ hởi chia sẻ.

Cùng với sáng kiến “Cải tiến dụng cụ trong công đoạn xử màu” của kỹ sư trẻ Dương Văn Hùng, sáng kiến của anh Phạm Thành Công được xem là sáng kiến có giá trị làm lợi “khủng” nhất ngành Than tham gia chương trình “75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển”, vinh dự là hai trong số 128 tác giả có sáng kiến xuất sắc tiêu biểu được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chương trình "75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển" được Tổng Liên đoàn Lao động phát động ngay sau thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vào thời điểm cả nước chung sức phòng chống đại dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép, nhằm khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của công nhân, viên chức, người lao động cả nước, sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống với tinh thần càng khó khăn càng phải thi đua, càng nhiều thách thức thì càng phải đổi mới sáng tạo.

Sau gần 80 ngày thi đua cao điểm, đã có 250.177 sáng kiến tham gia, vượt hơn 300% so với mục tiêu đề ra. Phần lớn các sáng kiến tham gia chương trình được đánh giá bằng kết quả làm lợi cụ thể, với tổng giá trị ước đạt 148.967 tỉ đồng. 


Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực