Nợ công của Nhật Bản tăng cao kỷ lục

Thứ ba, 11/05/2021 14:52
(ĐCSVN) - Ngày 10/5, Bộ Tài chính Nhật Bản công bố các số liệu mới cho thấy, nợ công của nước này trong tài khóa 2020 đã tăng lên 1.216.460 tỷ yen (hơn 11.032 tỷ USD) – mức cao kỷ lục trong năm thứ 5 liên tiếp.
leftcenterrightdel

Nợ công của Nhật Bản tăng cao kỷ lục năm thứ 5 liên tiếp. (Ảnh: japantimes.co.jp)

Nợ công bình quân đầu người của Nhật Bản tính đến ngày 31/3/2021 tăng lên mức 9,7 triệu yen dựa trên dân số ước tính 125,41 triệu người vào ngày 1/4/2021.

Việc nợ công Nhật Bản tăng mạnh khiến cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới khó có thể phục hồi sức khỏe nền kinh tế vốn đang bị đại dịch COVID-19 tàn phá. Hiện, tỷ lệ nợ công/GDP (tổng sản phẩm thu nhập quốc nội) của Nhật Bản cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

Cụ thể, nợ công Nhật Bản tăng thêm 101.920 tỷ yen (tương đương 940 tỷ USD) trong tài khóa 2020 và đây cũng là mức tăng cao nhất từng được Bộ Tài chính Nhật Bản ghi nhận. Trước đó, mức tăng nợ công cao nhất của Nhật Bản là 78.400 tỷ yen, được ghi nhận trong tài khóa 2004. 

Nợ công trong tài khóa 2020 tăng cao kỷ lục chủ yếu do Chính phủ Nhật Bản phải tăng các khoản chi ngân sách nhằm ứng phó với dịch COVID-19. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, trong số hơn 1,2 triệu tỷ yen nợ công của Nhật Bản, có 1.074.160 tỷ yen nợ dưới dạng trái phiếu, 52.000 tỷ yen vay từ các tổ chức tài chính và 90.300 tỷ yen hối phiếu tài chính hoặc tín phiếu ngắn hạn với kỳ hạn đến 1 năm.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Nhật Bản vào mùa Xuân năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai hàng loạt các biện pháp tài khóa trên quy mô lớn chưa từng có để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế cũng như hệ thống y tế của quốc gia với các khoản ngân sách bổ sung có tổng trị giá 73.000 tỷ yen được chi cho năm tài khóa 2020.

Nợ công Nhật Bản tính đến tháng 3/2021 đã tăng lên 112.550 tỷ yen so với 32.560 tỷ yen theo kế hoạch ban đầu, chủ yếu để tài trợ cho các dự thảo ngân sách bổ sung và bù đắp cho sự sụt giảm nguồn thu từ thuế.

GDP của Nhật Bản đã giảm 29,3% trong quý II/2020 so với quý trước đó, mức giảm tồi tệ nhất được ghi nhận trong bối cảnh Chính phủ nước này ban bố tình trạng khẩn cấp trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến GDP của Nhật Bản sụt giảm mạnh là do dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời khiến nhu cầu bên ngoài sụt giảm mạnh, trong khi các biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản áp dụng, trong đó có việc ban bố tình trạng khẩn cấp đã khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước bị đình trệ.

Nền kinh tế Nhật Bản được cho đã bắt đầu gặp nhiều khó khăn do các tác động tiêu cực từ thương chiến Mỹ - Trung, thời điểm trước khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Nhật Bản nâng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào đầu tháng 10/2019 cũng đã khiến kinh tế nước này lao dốc. Tuy nhiên, giai đoạn tồi tệ nhất đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chỉ bắt đầu sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1/2020 khiến Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì đại dịch COVID-19 kể từ ngày 7/4 và đến cuối tháng 5, tình trạng khẩn cấp mới được dỡ bỏ tại 47 tỉnh, thành trên cả nước.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, nợ công của Nhật Bản có xu hướng tăng do dân số già đi nhanh chóng dẫn đến chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu tăng cao.

Trong tài khóa 2021, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ phát hành 43.600 tỷ yen trái phiếu để tài trợ cho ngân sách có quy mô 106.610 tỷ yen, trong đó có 35.840 tỷ yen dành cho các chi phí an sinh xã hội./.

Hoài Hà (Theo Mainichi, Kyodo)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực