Phá bỏ rào cản trong văn hóa giao thông

Thứ ba, 16/03/2021 18:45
(ĐCSVN)- Thay vì phá dỡ các hàng rào hộ lan, người dân cần phá bỏ rào cản trong chính văn hóa giao thông của mình, để không vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà bất chấp vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản Nhà nước.

Gần đây, trên trang Facebook cá nhân của nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) Đoàn Ngọc Hải đã phản ánh tình trạng người dân tháo dỡ trái phép hộ lan tôn sóng trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái để kinh doanh hàng ăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. 

Thật ra không phải khi công dân Đoàn Ngọc Hải đưa vấn đề này lên mạng xã hội thì người dân và cơ quan chức năng mới biết sự việc, mà tình trạng này đã được diễn ra nhiều lần và đến nay vẫn tiếp tục tái diễn.

Trước đó, tình trạng tháo dỡ hộ lan gây nguy cơ mất an toàn giao thông cũng từng xảy ra trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Quốc lộ 1A địa phận qua tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi.  

Lực lượng chức năng kiểm tra, rào chắn lại các điểm hộ lan, tôn sóng trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị tháo dỡ để kinh doanh hàng ăn, đổ nước mui xe ô-tô. (Ảnh: KHÁNH NAM) 

Theo Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECS) - đơn vị quản lý tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã nhiều lần hàn đóng lại những điểm tháo mở nhưng cứ hàn xong lại tiếp tục bị phá, tập trung chủ yếu tại các lý trình (Km181, Km182, Km190, địa bàn xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái). Đáng chú ý, tại vị trí Km172+500 thuộc địa phận xã Châu Quế Hạ (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), lan can cao tốc dài hơn 15 m bị tháo dỡ. Nhiều ô tô đang chạy tốc độ cao khi đến đây đã bật tín hiệu rẽ vào phía trong, nơi có các hàng quán được xây dựng trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng an toàn giao thông trên tuyến.

Chính một vị lãnh đạo xã Châu Quế Hạ (huyện Văn Yên, Yên Bái) cũng đã thừa nhận, các nhà tạm được chủ hộ dựng lên tại khu vực tháo dỡ hộ lan đều không có giấy tờ sở hữu theo quy định của pháp luật, chính quyền cơ sở đã lập biên bản xử phạt nhiều lần.

Vậy tại sao trong suốt thời gian qua, những công trình trái phép này vẫn chưa bị giải tỏa và người dân vẫn ngang nhiên cắt phá hàng rào thép gai B40, tháo dỡ hộ lan tạo lối đi để mở các quán ăn tự phát ở bên đường?.

Dư luận xã hội đặt câu hỏi trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi để sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng an toàn giao thông như trên tái diễn nhiều lần và qua nhiều năm?. 

Tất nhiên, ở đây cũng không thể phủ nhận ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông của một bộ phận người dân còn kém, họ sẵn sàng vì lợi trước mắt mà không lường hết mối nguy hại lâu dài về sau. Hành vi thiếu ý thức của họ là vô cùng nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông đường bộ, nguy cơ tai nạn giao thông và chắc chắn sẽ phải trả giá bằng tiền (xử lý hành chính) hoặc nặng hơn là sự tự do ( xử lý hình sự) và các hệ luỵ liên quan.

Để giải quyết căn cơ tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, văn hóa giao thông của người dân để họ chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về an toàn giao thông;  có trách nhiệm trong bảo vệ tài sản công. Hơn hết, thay vì phá dỡ các hàng rào hộ lan, người dân cần phá bỏ rào cản trong văn hóa giao thông để không vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà sẵn sàng vi phạm pháp luật giao thông, phá hoại tài sản Nhà nước. 

Và mỗi người dân hãy luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phát hiện và tố giác những trường hợp vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ  để góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ huyết mạch.

Ngày 15/3, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) xử lý các trường hợp phá rào tôn sóng, vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên tất cả các tuyến cao tốc. Tổng Cục đường bộ Việt Nam cũng đã vào cuộc kiểm tra.

Thiết nghĩ, điều này rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ có tính lâu dài của các lực lượng, các cấp, ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm chính quyền địa phương trong quản lý hành lang đường bộ, có các biện pháp mạnh, kịp thời trong giải tán hành lang và các điểm kinh doanh trái phép hai bên đường.

Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, trong quá trình quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc, các đơn vị chức năng cũng phải  kịp thời rà soát và đánh giá các vướng mắc, tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông như: xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống đường gom, các điểm kết nối đường ra… để tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia giao thông.

Cần phải khẳng định lại đây không chỉ đơn thuần là sự lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ mà chính là hành vi phá hoại tài sản quốc gia, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng, vì vậy cần phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe pháp luật!./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực