Phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế

Thứ bảy, 01/07/2017 10:31
(ĐCSVN) - Nhân dịp kỷ niệm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7), tối 30/6 tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Chương trình.


Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện các Ban, Bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và thành phố Hà Nội; đại diện Sở Y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và một số bệnh viện thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đại diện cộng đồng bệnh nhân BHYT; đại diện một số doanh nghiệp.

Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” là sự kiện truyền thông có ý nghĩa quan trọng để tuyên truyền sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò trụ cột của bảo hiểm y tế (BHYT) trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia; khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% người dân tham gia BHYT.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Chương trình. Ảnh: ĐT

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế và BHXH Việt Nam lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc tốt đẹp nhất. Thủ tướng nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của người và toàn xã hội. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đã ban hành chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng BHYT nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro, bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh. Chủ trương phát huy vai trò của BHYT và tiến tới BHYT toàn dân được thể hiện nhất quán trong các Nghị quyết của Đảng và từng bước được thể chế hóa, tập trung chỉ đạo thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2008, lần đầu tiên Luật BHYT được ban hành, tạo cơ sở pháp lý tương vững chắc cho triển khai thực hiện, tiến tới BHYT toàn dân. Nhờ sự nỗ lực, phấn đấu của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành y tế, ngành BHXH và sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng. Chúng ta đã triển khai hiệu quả cung cấp BHYT cho hộ nghèo, người dân sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, xã đảo, huyện đảo, đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ tham gia BHYT cho hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình và cho học sinh, sinh viên; giảm mức đóng y tế cho hộ gia đình… Tăng cường kiểm tra giám sát việc đóng BHYT đối với các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp.

Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng nhanh từ 5,6% dân số năm 1993 lên 63,7% vào năm 2011 và đến nay đã đạt trên 82%. Phạm vi, quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được mở rộng gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực và kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách BHYT của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Y tế, ngành BHXH, góp phần quan trọng hướng tới mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Nhận thức về vai trò của BHYT nhiều nơi còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt, việc tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả; việc chấp hành chính sách về BHYT của một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ BHYT xảy ra nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT chưa được khắc phục kịp thời và chưa xử lý nghiêm gây bức xúc dư luận.

Để phát triển chính sách BHYT kịp thời, hiệu quả mang lại lợi ích cho người dân và xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, địa phương quán triệt và nhận thức sâu sắc về vai trò của BHYT, coi đó là một trong nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.

Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh ngành Y tế và BHXH phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người làm nông lâm, ngư, diêm nghiệp, tham gia BHYT theo hộ gia đình; bảo đảm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong tham gia BHYT; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; bình đẳng việc khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám, chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức thực hiện; chia sẻ và sử dụng thông tin hiệu quả giữa các cơ sở y tế. Xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải đóng BHYT theo Luật Bảo hiểm y tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động cũng như các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Các đại biểu tham dự Chương trình. Ảnh: ĐT

Thủ tướng cũng đề nghị ngành Y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất; tạo điều kiện cho các bệnh viện tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc, khám chữa bệnh bằng BHYT góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm thiểu tình trạng lãng phí. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý mua sắm, sử dụng thuốc và vật tư y tế theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, công khai, minh bạch.

Ngoài ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật BHYT để mỗi người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan, đơn vị hiểu về lợi ích, trách nhiệm và quyền lợi để chủ động, tích cực tham gia BHYT.

Nhấn mạnh việc hiện nay cả nước vẫn còn gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, trong đó có không ít người yếu thế, gặp khó khăn trong cuộc sống, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nhiệt tình tham gia hỗ trợ, mua và tặng thẻ BHYT cho những người dân đang còn gặp khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau, bệnh tật. Đây cũng là sự thể hiện truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" của người Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, tính đến nay, cả nước đã có trên 76,4 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 82,1% dân số, vượt chỉ tiêu, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả trên 69.000 tỷ đồng, cho trên 147 triệu lượt bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT và bình quân một người dân có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh là hơn 1,9 lần/người/năm.

Từ kết quả trên cho thấy, số lượng người dân tham gia BHYT ngày càng tăng, quyền lợi người tham gia ngày càng được mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh BHYT ngày càng tốt hơn, thủ tục khám chữa bệnh đã có những bước cải tiến tích cực, mang tính đột phá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT. Bên cạnh đó, người bệnh ngày càng được cung cấp nhiều dịch vụ kỹ thuật hiện đại, sử dụng nhiều thuốc mới, thuốc đắt tiền.

Nhân dịp này, đại diện BHXH Việt Nam đã trao tặng 1,5 tỷ đồng cho Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để hỗ trợ kinh phí cho người cận nghèo tham gia BHYT.  Số tiền này là do công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành BHXH ủng hộ một ngày lương./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực