Pháp coi Việt Nam là đầu cầu vào ASEAN

Thứ ba, 05/01/2010 15:37

  
          Đại sứ Lê Kinh Tài trả lời phỏng vấn 
Việt Nam và Pháp đã ký được 5 Hiệp định liên Chính phủ, ký hơn 10 Nghị định thư Tài chính và các hợp đồng trị giá gần 10 tỷ euro trong năm 2009.

Trong năm qua, tại Pháp đã diễn ra nhiều biến động trên các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị tới xã hội... Những biến động đó tác động không chỉ tới tình hình của nước Pháp, mà còn tác động tới cả quan hệ hợp tác giữa Pháp với các nước, trong đó có Việt Nam.

Phóng viên Báo chí đã có bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Pháp Lê Kinh Tài:

PV: Thưa Đại sứ, thực tế trong năm qua tại Pháp có rất nhiều biến động trên các mặt kinh tế, chính trị và xã hội. Đại sứ có đánh giá thế nào về những biến động này tại Pháp?

Đại sứ Lê Kinh Tài: Năm 2009, Pháp cũng phải chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế. Cuộc khủng hoảng này tác động tới tất cả các mặt trong đời sống sinh hoạt của nước Pháp, về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh. Nhưng phải nói rằng, Pháp là nước khá tích cực và khá nhạy cảm.

Trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng, Tổng thống Sarkozy hoạt động hết sức tích cực và có hiệu quả, mang lại những kết quả tốt, với việc đưa ra nhiều sáng kiến tích cực. Những hoạt động thời gian qua hỗ trợ, thúc đẩy, làm cho kinh tế của Pháp đang dần bước ra khỏi khủng, tuy nhiên vẫn còn chứa đựng những nhân tố rủi ro và chưa bền vững.

Về chính trị, các đảng phái tại Pháp đang trong giai đoạn tổ chức lại và chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương 2010 và cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, cho nên đã nổ ra những cuộc đấu tranh khá gay gắt. Nhiều cuộc đình công lớn xảy ra.

Phải nói rằng, hiện nay kinh tế Pháp đã có những bước tiến bộ đáng kể, đặc biệt là gói kích cầu 26 tỷ USD đã mang lại những kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa đảm bảo sự phát triển vững chắc cho Pháp trong thời gian tới. Và chắc chắn năm 2010 khủng hoảng vẫn còn có những tác động đối với Pháp.

PV: Theo Đại sứ, cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu có tác động nhiều tới chính sách đối ngoại của Pháp?

Đại sứ Lê Kinh Tài: Pháp luôn thực hiện chính sách của một nước lớn và thực tế Pháp là một trong 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có vai trò lớn trên trường quốc tế. Chính sách nước lớn của Pháp vẫn không thay đổi. Có nghĩa là chính sách đó dàn trải đều trên tất cả các châu lục, quan hệ đều với tất cả các đối tác, các đối tượng.

Nhưng khả năng của Pháp cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, cho nên trong thời gian qua, ưu tiên của Pháp tập trung vào EU, tiếp đến là quan hệ với Mỹ, châu Phi, và các khu vực khác trong đó có châu Á và trong châu Á. Trong khu vực, Pháp tập trung vào Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ- những nước mới nổi lên. Và trong khu vực Đông Nam Á, Pháp coi trọng quan hệ với Việt Nam và Indonesia.

PV: Những biến động tại Pháp năm qua có tác động nhiều tới quan hệ hợp tác Việt-Pháp không, thưa Đại sứ?

Đại sứ Lê Kinh Tài: Tất nhiên là có, bởi vì lực của Pháp cũng giảm đi, chính sách của Pháp phần nào cũng co cụm lại để thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Cho nên việc mở rộng hợp tác là đầu tư ra nước ngoài cũng có khó khăn hơn. Bản thân việc đầu tư ra nước ngoài ở các nước định đầu tư cũng có khó khăn hơn, nên quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng bị hạn chế, chịu sự tác động.

Tuy nhiên, không có nhân tố chính trị tác động vào trong chiều hướng sụt giảm trong quan hệ giữa hai nước về kinh tế. Trong nỗ lực chung của Việt Nam và Pháp, mỗi bên đều muốn phát triển nền kinh tế của mình để tăng khả năng của nền kinh tế, đồng thời để thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Hai bên đều có những nhu cầu cần phát triển mối quan hệ của hai nước. Việt Nam cũng đang mong muốn Tổng thống Pháp Sarkozy sẽ thực hiện chuyến thăm Việt Nam như Tổng thống đã hứa với Thủ tướng nước ta trong chuyến thăm Pháp tháng 10/2007 nhưng do điều kiện thời gian và tình hình ở Pháp chưa cho phép.

Trước sự đòi hỏi phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội, phía Pháp đã cử Thủ tướng Fillon sang Việt Nam vào tháng 11/2009, đó là chuyến thăm rất thành công. Hai bên đã ký được 5 Hiệp định liên Chính phủ và ký hơn 10 Nghị định thư Tài chính cũng như các hợp đồng trị giá gần 10 tỷ euro. Chuyến đi này mở ra triển vọng mới trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Qua chuyến đi, hai bên cũng khẳng định lại chủ trương hợp tác, chính sách đối ngoại của mỗi bên. Việt Nam xem Pháp là cửa ngõ vào châu Âu. Pháp nhìn Việt Nam là đầu cầu để vào các nước ASEAN.

Phía Pháp cũng nhấn mạnh, trong chuyến đi này, Pháp đã đánh giá lại toàn bộ quan hệ giữa Việt Nam và Pháp và xem Việt Nam là một nước mới nổi lên về mặt kinh tế. Trong thời gian tới, Pháp sẽ quan tâm nhiều hơn đối với Việt Nam thông qua các hiệp định đã ký kết.

PV: Thưa Đại sứ, trong tình hình hiện nay, những vấn đề chính mà hai bên Pháp và Việt Nam quan tâm là gì?

Đại sứ Lê Kinh Tài: Trong thời gian tới, Việt Nam có vai trò lớn hơn, với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Pháp có thể thông qua Việt Nam để tham gia hợp tác sâu hơn đối với các nước ASEAN. Riêng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, 5 hiệp định đã ký kết vào tháng 11/2009 phản ánh mối quan tâm của mỗi bên, đó là vấn đề công nghệ cao, giáo dục đào tạo và hợp tác trong lĩnh vực an ninh, an toàn, quốc phòng và các hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực khác.

* Xin cảm ơn Đại sứ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực