ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phát biểu. Ảnh chụp qua màn hình: Kim Thanh
Hôm nay (28/3), Quốc hội dành thời gian cả ngày để thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.
Làm luật còn chắp vá...
Nhìn lại 5 năm nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhấn mạnh, Quốc hội đã tập trung, nỗ lực thực hiện tốt chức năng lập hiến, lập pháp và đạt được kết quả nổi bật, hết sức quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành trọng trách xây dựng và thông qua bản Hiến pháp 2013, thể chế hóa đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) phát biểu, cử tri đánh giá cao bản Hiến pháp 2013. Đặc biệt, đánh giá cao việc Hiến pháp 2013 thể hiện rõ quy định Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, phục vụ Nhân dân. Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, Hiến pháp quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước phải tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân...
ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) bày tỏ niềm tự hào “được vinh dự cùng với gần 500 ĐBQH bấm nút thông qua bản Hiến pháp 2013 – Bản hiến văn như một dấu son của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, khắc ghi vào lịch sử vì đó là hiến văn bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hiến văn đặt nền móng xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại, hội nhập”.
Cùng với việc thông qua Hiến pháp mới, các ĐBQH đánh giá, Quốc hội khóa XIII đã ban hành một khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất từ trước đến nay với chất lượng ngày càng nâng cao. Đặc biệt, ngay sau khi Hiến pháp mới được thông qua, Quốc hội khóa XIII đã khẩn trương triển khai thực hiện đưa Hiến pháp vào cuộc sống.
Tuy nhiên, các ĐBQH: Huỳnh Văn Tiếp, Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), Khuất Thị Duyền (Thái Bình), Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu), Tô Văn Tám (Kon Tum)... đều nhận định, hoạt động lập pháp vẫn còn không ít hạn chế.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu thẳng thắn, công tác làm luật là chức năng cơ bản của Quốc hội nhưng còn thiếu tập trung và chắp vá, có luật chưa vào cuộc sống, có biểu hiện lợi ích cục bộ qua xây dựng luật. Do đó, ĐB đề nghị cần có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. “Bởi tốn kém tiền bạc mà luật không đi vào cuộc sống, không khả thi thì làm luật làm gì!” ĐB nhấn mạnh.
Còn theo ĐB Trương Thị Huệ, việc thường xuyên điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, chậm gửi dự thảo luật để đại biểu nghiên cứu và Đoàn ĐBQH lấy ý kiến..., mặc dù có tiến bộ nhưng kỳ họp nào cũng xảy ra. Đáng chú ý, việc ban hành luật,nhưng trong đó có nhiều điều khoản chưa cụ thể dẫn đến luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư hướng dẫn đã tạo ra khoảng trống pháp luật và cơ hội cho hiện tượng lách luật, nhiều hệ lụy. Theo ĐB, có nhiều trường hợp “thủ kho to hơn thủ trưởng”, tức là nghị định to hơn luật, thông tư to hơn nghị định, thậm chí thông tư hướng dẫn không đúng với nghị định. ĐB ví dụ: “Thông tư 08 liên Bộ Tài chính, Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì lại hướng dẫn cho các xã ATK, xã biên giới được đầu tư Chương trình 135 cùng hưởng, đã không những thiệt hại ngân sách mà còn gây tâm lý không tốt cho nhân dân”.
Đồng tình với ĐB Trương Thị Huệ, ĐB Khuất Thị Duyền đề cập thực trạng chính sách ban hành ra không có nguồn lực thực hiện gây bức xúc cho nhiều cử tri như: Chính sách hỗ trợ người cao tuổi nâng từ 180 nghìn – 270 nghìn; chính sách hỗ trợ người có công xây dựng nhà ở... “Nhiều gia đình chính sách khi có chính sách của Nhà nước vay tiền xây nhà nhưng đến nay chưa có tiền trả, thậm chí có những người qua đời nhưng đến nay nhà vẫn chưa được hỗ trợ” – ĐB bức xúc nói.
Thiếu bản lĩnh, sợ va chạm thì làm sao xứng đáng đại biểu của dân!
Một trong những nội dung được các ĐBQH đề cập đến chính là chất lượng ĐBQH.
ĐB Huỳnh Văn Tiếp khẳng định, chất lượng đại biểu Quốc hội có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; bởi ĐBQH có thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến, tham dự đầy đủ các cuộc họp của Quốc hội, UBTVQH, đóng góp ý kiến, thảo luận những vấn đề quan trọng của đất nước... thì hoạt động của Quốc hội sẽ mạnh hơn.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đánh giá, dự thảo báo cáo nhiệm kỳ đã khái quát đầy đủ, toàn diện, thẳng thắn kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong suốt nhiệm kỳ đầy ấn tượng. Qua bản báo cáo, từng ĐBQH đều nhận thấy sự hiện diện và trách nhiệm của cá nhân về những ưu, khuyết điểm trước cử tri, nhân dân cả nước.
ĐB Nguyễn Thái Học khẳng định, nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội, mỗi ĐBQH đều có chung một tình cảm, suy nghĩ là được vinh dự làm ĐBQH khóa XIII. Theo ĐB, dù thẳng thắn, trực tiếp giữa nghị trường hay âm thầm lặng lẽ làm nhiệm vụ đại biểu giữa đời thường thì đều mong muốn ĐBQH phải thực sự là đại biểu của dân, nói được tiếng nói của nhân dân, bảo vệ được tiếng nói chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, ĐBQH cũng không thể làm ngơ trước những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua như: Hoạt động của một số đại biểu còn hạn chế, chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp; một số ĐBQH chuẩn bị nội dung phát biểu chất lượng thấp; có đại biểu vi phạm pháp luật... gây mất niềm tin cho nhân dân.
Theo ĐB, khi đã là ĐBQH ai mà không trăn trở, suy nghĩ, không mong muốn làm được nhiều việc cho dân, cho nước. Mỗi lần tiếp xúc cử tri là một lần nhắc lại trách nhiệm lớn lao của ĐBQH với cử tri. Tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cử tri rất phong phú. Riêng việc phản ánh một cách trung thực ý kiến của cử tri đến Quốc hội như đã hứa đôi khi cũng chưa thực hiện được hết, còn ý kiến của dân mà được ĐBQH ghi nhận, đeo bám thực hiện kết quả còn khiêm tốn. “Chính điều này thôi thúc các đại biểu càng cố gắng, gần gũi, thực sự có trách nhiệm với dân. ĐBQH phải có bản lĩnh, dũng khí để nói lên tiếng nói của người dân, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân” – ĐB Nguyễn Thái Học bày tỏ.
Cũng bàn về nội dung này, ĐB Huỳnh Nghĩa bày tỏ ủng hộ việc tăng ĐBQH chuyên trách, đồng thời khẳng định hướng đến Quốc hội chuyên nghiệp thì rất cần người tâm huyết, đức độ, tận tâm vì sự phát triển của Quốc hội. ĐB cũng trăn trở: “Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước và nhân dân đã tạo nhiều điều kiện cho đại biểu, nhưng nhiều người chưa làm tròn bổn phận vì còn hạn chế, chưa năng nổ, thiếu nghiên cứu, nghiên cứu không sâu...”.
Ông nhấn mạnh: “Có đại biểu chưa nói lên tiếng nói nhân dân, thiếu bản lĩnh, sợ va chạm thì làm sao xứng đáng đại biểu của dân! Đi họp mà không có ý kiến thì gây lãng phí, mất cơ hội của người khác. Do đó, nên nghiên cứu chọn đại biểu thật sự có năng lực, xứng tâm, xứng tầm, tạo niềm tin cho cử tri gửi gắm”.
Ở khía cạnh khác, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) thẳng thắn phát biểu: Điều cử tri mong đợi ở các ĐBQH phải là những việc làm thực tế, có lợi cho dân, cho nước. Dân chán lắm rồi những ngôn từ trau chuốt của các ĐB khi phát biểu... Theo ĐB Lê Nam, Quốc hội cần phải phát huy vai trò hơn nữa trong sứ mệnh người đại biểu của nhân dân để làm tốt công tác cử tri giao phó.
Cũng trong phiên họp sáng nay, các ĐBQH đã bày tỏ nhiều ý kiến về những thành tựu, hạn chế trong hoạt động xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động giám sát... của Quốc hội./.