Quan hệ Việt Nam và UNESCO tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp

Thứ tư, 12/01/2022 22:08
(ĐCSVN) - Năm 2021, Việt Nam đã tham dự và đóng góp vào các vấn đề quan trọng mà UNESCO đang quan tâm, cũng như đã chủ động tham gia đồng tác giả của các Nghị quyết của UNESCO về Ngày quốc tế khu dự trữ sinh quyển, Ngày Quốc tế Khoa học địa chất, Vai trò phụ nữ trong hợp tác đa phương và Nghị quyết của Liên hợp quốc về Năm khoa học quốc tế cơ bản vì sự phát triển bền vững...
leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang (giữa), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì Hội nghị 

Ngày 12/1, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng năm 2022 theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ các Bộ, ngành liên quan, các Tiểu ban chuyên môn của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, đại diện các khu di sản thiên nhiên văn hóa, dự trữ sinh quyển và công viên địa chất của Việt Nam, các địa phương cùng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Đặng Hoàng Giang cho biết, năm 2021, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chuyển động nhanh chóng, phức tạp và có nhiều thay đổi quan trọng. Đại dịch COVID-19 tác động toàn diện, đa chiều đến mọi mặt kinh tế-xã hội của thế giới.

Mô hình phát triển trong mỗi quốc gia đang chuyển đổi mạnh mẽ trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0; các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như xung đột, biến đổi khí hậu, di cư… tác động gay gắt hơn đến phát triển và an ninh của các nước; các thể chế đa phương tiếp tục điều chỉnh phương thức hoạt động để phù hợp với nhu cầu của các quốc gia, nâng cao hiệu quả hợp tác.

Trong bối cảnh đó, UNESCO đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm đối phó với những thách thức mới, nhất là Chiến lược trung hạn giai đoạn 2022-2029, Chương trình Ngân sách giai đoạn 2022-2025; Khuyến nghị về Khoa học mở, Đạo đức trong trí tuệ nhân tạo… Tổ chức cũng phản ứng tương đối nhanh và linh hoạt đối với các cuộc khủng hoảng tại Lebanon, Afghanistan và trận động đất tại Haiti, đáp ứng yêu cầu của các quốc gia trong việc hỗ trợ cộng đồng và người dân phục hồi và phát triển.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Đặng Hoàng Giang cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, thể hiện hình ảnh một quốc gia tích cực, có trách nhiệm trên các diễn đàn quốc tế trong đó có UNESCO. Quan hệ Việt Nam và UNESCO tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, nhất là sau chuyến thăm UNESCO của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021 và hai bên ký Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025.

leftcenterrightdel
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng năm 2022 theo hình thức trực tuyến 

Báo cáo tổng kết tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2021, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tích cực, chủ động thể hiện vai trò, trách nhiệm của quốc gia thành viên đóng góp vào công việc chung, đồng thời thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam tại diễn đàn UNESCO.

Triển khai Chỉ thị số 25-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Ủy ban đã triển khai kế hoạch vận động ứng cử và trúng cử vào hai cơ quan quan trọng của UNESCO: Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025 và Hội đồng Chấp hành nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu cao (163 phiếu, đạt 92% số phiếu, đứng thứ 6/27 thành viên trúng cử).

Việc trúng cử thể hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, đồng thời là kết quả của quá trình triển khai bài bản, đồng bộ kế hoạch ứng cử của Việt Nam trong hai năm qua.

Ngoài ra, Việt Nam đang triển khai kế hoạch vận động ứng cử vào hai cơ quan khác của UNESCO, gồm Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 (bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6/2022 tại Paris) và Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 (bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2023 tại Paris).

Đáng chú ý, trong năm 2021, Việt Nam đã tham dự và đóng góp vào các vấn đề quan trọng mà UNESCO đang quan tâm, cũng như đã chủ động tham gia đồng tác giả của các Nghị quyết của UNESCO về Ngày quốc tế khu dự trữ sinh quyển, Ngày Quốc tế Khoa học địa chất, Vai trò phụ nữ trong hợp tác đa phương và Nghị quyết của Liên hợp quốc về Năm khoa học quốc tế cơ bản vì sự phát triển bền vững (đã được Kỳ họp lần thứ 40 Đại hội đồng UNESCO và Khóa họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí ủng hộ và thông qua).

Về công tác nghiên cứu, xây dựng các hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận các loại hình danh hiệu, Ủy ban đã phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan và các nhà khoa học trong và ngoài nước xây dựng và vận động để UNESCO công nhận hai khu dự dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) và Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) là khu dự trữ sinh quyển thế giới (tháng 9/2021); hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 12/2021).

UNESCO đã thông qua Hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng mở rộng, thông qua Nghị quyết tôn vinh và cùng kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Nghị quyết cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Tháng 12/2021, Việt Nam đã trình UNESCO hai hồ sơ “Cửu đỉnh – Hoàng cung Huế” và “Sưu tập tài liệu lưu trữ liên quan đến nhạc sĩ Hoàng Vân” để xem xét ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới giai đoạn 2022-2023; hồ sơ đề cử của thành phố Cao Lãnh tham gia vào Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu.

Một số kết quả nổi bật khác là tăng cường phối hợp giữa các Tiểu ban chuyên môn, Văn phòng UNESCO Hà Nội; thúc đẩy hợp tác với các Ủy ban Quốc gia UNESCO trong khu vực và các đối tác khác; đưa quan hệ Việt Nam và UNESCO đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, triển khai các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO để xây dựng chính sách, thực hiện các mục tiêu quốc gia, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Về những khó khăn và hạn chế, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài đã khiến nhiều hoạt động của các Tiểu ban thuộc Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam không thực hiện được theo kế hoạch. Ngân sách của các bộ, ngành và địa phương cho một số hoạt động liên quan đến UNESCO bị cắt giảm, gây khó khăn trong việc triển khai.

Ngoài ra, một số văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, điều hành, phát triển các danh hiệu, di sản của UNESCO tại Việt Nam chưa hoàn thiện, nhất là các quy định liên quan đến Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và công viên địa chất toàn cầu.

Vì vậy, hoạt động của các ban quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới và công viên địa chất toàn cầu gặp một số khó khăn về cơ chế, chính sách, bộ máy, kinh phí và nguồn lực. Bên cạnh đó, các danh hiệu này là những mô hình phát triển kinh tế-xã hội mới nên nhận thức của cộng đồng, xã hội còn chưa đầy đủ và đồng đều.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe ý kiến phát biểu từ đại diện đến từ các Bộ, ngành liên quan, các Tiểu ban chuyên môn của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, đại diện các khu di sản thiên nhiên văn hóa, dự trữ sinh quyển và công viên địa chất của Việt Nam, các địa phương, cũng như đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO.

Các đại biểu đều đánh giá cao những thành quả toàn diện trên mọi lĩnh vực của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam từ Văn hóa, Giáo dục, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Văn hóa, Thông tin truyền thông....

Trong phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Đặng Hoàng Giang ghi nhận tất cả các kết quả ấn tượng trong năm qua, đặc biệt là những ý kiến đóng góp tích cực và quý giá của các đại biểu cho phương hướng hoạt động trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Đặng Hoàng Giang cũng đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 nhằm nâng cao hình ảnh, vai trò của Việt Nam tại Diễn đàn UNESCO cũng như thúc đẩy bảo vệ các lợi ích quốc gia, tận dụng tri thức UNESCO để xây dựng chính sách và phát triển bền vững đất nước:

Thứ nhất, nghiên cứu, nắm bắt xu thế hợp tác, chuyển biến chính sách của các nước, nhóm nước trong UNESCO, khuyến nghị chính sách, chiến lược với Chính phủ trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin-truyền thông; góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 25/CT-TƯ về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Thứ hai, phát huy vai trò thành viên tích cực, chủ động tại Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 và Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025. Tích cực triển khai công tác vận động cho ứng cử viên Việt Nam vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 và Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Thứ ba, triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025, Ủy ban sẽ sớm xây dựng một chương trình hành động để trình Chính phủ ban hành, phân công nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực.

Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; phát huy vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong công tác điều phối, tư vấn, hỗ trợ và giám sát các hoạt động của các Tiểu ban, Tiểu ban chuyên môn, các địa phương trong khuôn khổ hợp tác với UNESCO. Đồng thời, củng cố hợp tác, quản lý về mặt chuyên môn đối với các hoạt động của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.

Thứ năm, tiếp tục phối hợp, thúc đẩy các hợp tác công-tư, có chiều sâu, chất lượng nhằm khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động trong các lĩnh vực thẩm quyền của UNESCO.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các cán bộ, chuyên gia trong nước và mở rộng, kết nối với mạng lưới các chuyên gia quốc tế, Ban thư ký UNESCO để triển khai hiệu quả các hoạt động với tổ chức UNESCO.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực