(ĐCSVN) – Thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước, sáng 28/3, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong quá trình hoạt động, Quốc hội nêu nhiều vấn đề tồn tại của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Vậy, trách nhiệm Quốc hội chia sẻ những tồn tại đó như thế nào?
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 28/3. (Ảnh: TTXVN)
Nói về kết quả nhiệm kỳ đạt được, đại biểu Trần Du Lịch cho biết, qua ý kiến cử tri và có thể khái quát lại thành 4 chữ “hơn” mà Quốc hội đã làm được: Hơn thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đổi mới mạnh mẽ hơn; thứ hai là dân chủ hơn trong thảo luận và ra quyết sách; thứ ba là trách nhiệm hơn với cử tri trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm Quốc hội; thứ tư là được cử tri tín nhiệm nhiều hơn.
Tuy nhiên, nói về trách nhiệm của Quốc hội trong việc chia sẻ những vấn đề đang tồn tại của đất nước, đại biểu cho rằng: “Nếu căn cứ vào luật và Hiến pháp, dường như Quốc hội quyết định hết tất cả những vấn đề lớn. Trong quá trình hoạt động của mình, Quốc hội cũng nêu nhiều vấn đề tồn tại của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, nhưng trách nhiệm Quốc hội chia sẻ những tồn tại đó như thế nào?” - đại biểu đặt vấn đề.
Đại biểu Trần Du Lịch dẫn chứng: “Chúng ta nêu tồn tại trong vấn đề ban hành pháp luật nhiệm kỳ XIII, luật ban hành ra, nhưng đi vào cuộc sống phải chờ đợi văn bản dưới luật và thực thi hiệu lực của luật rất giảm. Nhiệm kỳ khóa XIII làm rất công phu, thành quả ban hành hơn 100 bộ luật và đạo luật. Nhưng trong nhiệm kỳ này, để luật đi vào cuộc sống, chúng ta cần gần 5.000 văn bản dưới luật, trong đó có gần 4.000 thông tư và thông tư liên tịch. Nguyên nhân ở đâu? Chúng ta có cải tiến nhưng tình trạng luật khung, luật ống vẫn còn tồn tại, làm cho hiệu lực của luật giảm. Với cử tri, đây là trách nhiệm của Quốc hội”.
Về vấn đề nợ công, về bội chi, đều do Quốc hội quyết. Bởi vậy theo đại biểu, trách nhiệm của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong vấn đề giải quyết bài toán quyết định về ngân sách thế nào, chính sách thế nào, cần phải có sự chia sẻ.
Đại biểu cũng cho biết, hầu như những luật đã ban hành đều "đẻ" ra thêm bộ máy. “Như năm nay, nếu triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chúng ta tăng chừng nào? Nhiều khi ban hành luật, chúng ta có chính sách nhưng chưa bao giờ tính toán xem lấy nguồn lực nào để thực thi chính sách đó?” - đại biểu nêu rõ.
Trước thực tế trên, đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị, khi Quốc hội ban hành chính sách phải tính toán kỹ lấy đâu, nguồn lực nào để thực thi, còn nếu không thì không ban hành.
Về công tác giám sát, đại biểu cho rằng, nếu chúng ta giám sát vấn đề khiếu nại của dân thì nên trực tiếp đối thoại với người khiếu nại, chứ không phải chỉ nghe cơ quan nhà nước báo cáo. “Chúng ta làm giám sát rất nhiều, kể cả giám sát tối cao tại hội trường, nhưng tôi kiến nghị từng vấn đề chính sách mà cử tri quan tâm là phát huy vai trò của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban trong vấn đề giải trình, tôi thấy các nước rất hiệu quả. Chúng ta mời Bộ trưởng tới một ban để làm rõ chính sách, quan điểm, triển khai thực hiện, không ồn ào nhưng rất hiệu quả...” - đại biểu cho biết./.