Quốc hội thảo luận dự án Luật Viên chức

Thứ bảy, 19/06/2010 20:28

(ĐCSVN) - Sáng 19/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viên chức. Dự án Luật Viên chức sẽ được hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Dự thảo Luật viên chức gồm 8 chương và 71 điều. Các quy định của dự án Luật tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức đang làm việc trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội…Dự án Luật viên chức nhằm: Góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và cộng đồng của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển xã hội, bảo đảm các phúc lợi cơ bản cho người dân, góp phần thực hiện xã hội hóa các hoạt động thiết yếu mà hiện nay Nhà nước đang nắm giữ để chuyển sang cho khu vực dịch vụ công; tạo cơ sở pháp lý nhằm xây dựng và quản lý đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và cộng đồng; phát huy được tính năng động, sáng tạo của viên chức...

Một số nội dung mới được đề cập trong dự thảo Luật, như xác định rõ nguyên tắc cơ bản trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức, hoàn thiện và bổ sung các quyền, nghĩa vụ của viên chức theo hướng “mở” hơn so với Luật Cán bộ, công chức năm 2008 để viên chức phát huy tài năng, sức sáng tạo và khả năng cống hiến trong cơ chế thị trường hiện nay.

Đặc biệt, dự thảo Luật cũng đổi mới cơ chế và nội dung quản lý viên chức trên cơ sở vị trí làm việc, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và hợp đồng làm việc. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa thôi quốc tịch Việt Nam, nếu đủ tiêu chuẩn được thi tuyển vào viên chức.

Phát biểu tại phiên thảo luận về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật, đa số ý kiến khác tán thành với quy định của dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Các đại biểu cho rằng, mặc dù cùng thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ trong những lĩnh vực giống nhau nhưng điểm khác biệt quan trọng và cơ bản nhất giữa hai nhóm đối tượng này là về phương diện quản lý. Đối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người sử dụng lao động trực tiếp hay gián tiếp chính là Nhà nước.

Hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị sự nghiệp công lập là tài sản của Nhà nước; phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đang được Nhà nước cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động. Vì thế, cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý, chế độ, chính sách đối với viên chức trong các đơn vị này có nhiều điểm khác so với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; Nhà nước hoàn toàn có thể quy định một số nghĩa vụ mang tính chất ràng buộc đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Liên quan đến việc tuyển dụng viên chức vào làm việc, đại biểu Huỳnh Phước Long (Đoàn Trà Vinh) đề nghị có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đại biểu Huỳnh Phước Long, viên chức là người dân tộc thiểu số hiện chỉ chiếm 8,3% tổng số viên chức cả nước, đặc biệt ở khối trung ương chỉ 1,46%. Nếu không có chế độ ưu tiên thì đồng bào dân tộc thiểu số rất khó cạnh tranh để được tuyển dụng làm viên chức. Trong khi đó, Luật Cán bộ công chức đã có nội dung ưu tiên, nên có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ quan điểm đồng tình cho phép viên chức tham gia hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài giờ (Điều 12). Trong điều kiện hiện nay, việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ là quyền của viên chức, giúp viên chức sử dụng một cách tối đa năng lực chuyên môn, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội, đồng thời cũng phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 30 của Bộ luật Lao động, đó là: “Người lao động có thể giao kết một hoặc nhiều hợp đồng lao động với một hoặc nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã giao kết”. Các đại biểu cũng cho rằng để giải quyết những bất cập trong thực tiễn quản lý, sử dụng viên chức hiện nay, nhất là tình trạng viên chức vì thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ mà làm giảm chất lượng cung cấp các dịch vụ công thì dự thảo Luật cần có cơ chế đánh giá, quản lý viên chức một cách có hiệu quả, bảo đảm để viên chức phải hoàn thành nhiệm vụ được giao cả về thời gian và chất lượng công việc cũng như có biện pháp xử lý đối với các viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (Chương IV) dự thảo Luật được xây dựng theo hướng đề cao vai trò, thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Quan điểm này nhận được nhiều sự ủng hộ của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên các ý kiến vẫn còn băn khoăn việc giao quá nhiều quyền cho người đứng đầu, trong khi lại thiếu cơ chế kiểm tra, kiểm soát cũng như những điều kiện khác, có thể dẫn đến sự độc đoán, lạm quyền hoặc thậm chí là cố ý làm trái để trục lợi. Mặt khác, việc giao thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức cho đơn vị sự nghiệp đã hoàn toàn phù hợp với tất cả các loại hình đơn vị sự nghiệp hay chưa? Có cần phải phân loại các loại hình hay không? Chẳng hạn đối với các cơ sở giáo dục đào tạo, bệnh viện công có thể có những cơ chế quản lý khác so với cơ sở nghiên cứu khoa học, báo chí... Việc tiến hành phân cấp quá mạnh, giao quá nhiều quyền cho các đơn vị sự nghiệp công lập như trong dự thảo Luật đã phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn, trình độ quản lý của nhiều đơn vị hay không? Đây là vấn đề các đại biểu nêu lên đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu thận trọng để có giải pháp hợp lý.

Theo chương trình làm việc chiều nay, Quốc hội sẽ nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua các Nghị quyết trên.

Cũng trong chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực