Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Thứ năm, 28/10/2021 18:59
(ĐCSVN) – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Các ý kiến thảo luận tập trung vào một số nội dung trong dự án luật như về: Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.​
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) 

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Chương VI về Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh bao gồm 2 mục, là chương mới so với Luật Điện ảnh hiện hành.

Dự thảo Luật đã loại bỏ “phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện” vì: Dự thảo Luật đã quy định điều kiện chung để tiến hành các hoạt động phát hành phim cần tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ; Phim xuất khẩu phải có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng, phim nhập khẩu phim phải đảm bảo không vi phạm khoản 1, Điều 10.

Do vậy, quy định điều kiện kinh doanh đối với phát hành phim là không cần thiết đồng thời việc bỏ điều kiện sẽ khuyến khích lĩnh vực phát hành phim phát triển.

Theo Tờ trình vào ngày 23/10, trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau. Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án: Phương án 1: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng;  Phương án 2: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất phim. Trong đó, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1.

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành sau 15 năm thi hành... để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tại điểm cầu trực tuyến Lâm Đồng 

Thảo luận về chính sách phát triển điện ảnh của nhà nước, các đại biểu cho rằng đây không chỉ là một ngành nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp điện ảnh. Bởi vậy, chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm trọng điểm, bao trùm cả phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Đại biểu Trịnh thị Tú Anh, (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, trong thời điểm ngân sách nhà nước còn hạn hẹp thì việc xã hội hóa trong phát triển điện ảnh là rất cần thiết: Với chính sách này, việc tham gia của nhiều bộ phận xã hội từ chính quyền Trung ương, địa phương đến các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và cộng đồng trong quá trình hoạch định chính sách không phải áp đặt từ trên xuống mà là chính sách phản ánh được nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội của từng người dân. Đây cũng chính là xu hướng quản lý văn hóa hiện đại tại các nước như Pháp, Thụy Điển, Phần Lan..

Về nội dung sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, một số ý kiến nhất trí với phương án nhà nước giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu, vì thực hiện đấu thầu sẽ tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân, phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Đại biểu Trần Văn Thức, (đoàn Thanh Hóa) lý giải: Đây là quy định trong luật hiện hành và đã được Chính phủ có văn bản quy định chi tiết trong trường hợp đấu thầu sản xuất phim và trên thực tế không có vướng mắc trong quá trình thực hiện. Việc quy định cả 3 hình thức giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu sẽ rất linh hoạt trong quá trình áp dụng, đặc biệt đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, như đồng bộ với Luật đấu thầu. Mặt khác, tác phẩm điện ảnh cũng cần được đấu thầu để lựa chọn được tác phẩm tốt như những công việc khác khi sử dụng vốn ngân sách nhà nước là rất cần thiết. 

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là về phổ biến phim trên không gian mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng, trong đó hậu kiểm là chủ yếu; chỉ thực hiện tiền kiểm đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tuy vậy, các đại biểu cũng lưu ý bổ sung một số nội dung để kiểm soát tốt hơn phim trên không gian mạng. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, (đoàn Bình Định) nêu ý kiến: Tôi cũng đồng ý là ưu tiên hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng khi mà số lượng phim quá nhiều. Vấn đề tôi phân vân là làm sao kiểm soát để trẻ em xem phim trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi của mình. Quyền lợi thì đi với trách nhiệm. Theo tôi, nếu tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng có thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em, để người lớn quản lý được phim nào trẻ em được xem phù hợp với lứa tuổi của các em thì được áp dụng ưu tiên hậu kiểm; tổ chức nào chưa có hệ thống kiểm soát trẻ em thì áp dụng tiền kiểm và nội dung này thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, (đoàn Quảng Nam) đề nghị chỉ được phổ biến phim trên không gian mạng khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép: Thời gian qua có nhiều ấn phẩm không đảm bảo chất lượng không phù hợp về chính trị thuần phong mỹ tục nhưng vẫn được công chiếu trên không gian mạng. Do đó, để quản lý chặt chẽ phim trên không gian mạng cần quy định rõ chỉ được phổ biến phim trên không gian mạng khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chứ không nên giao trách nhiệm cho đơn vị tư nhân và cơ quan cấp phép phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, nhiều đại biểu đồng tình với 2 hành vi bị cấm mà dự án Luật đưa ra và cho rằng các điều cấm là cần thiết, tuy nhiên cần làm rõ thêm một số các hành vi. Đại biểu Tô Văn Tám, (đoàn Kon Tum) bày tỏ băn khoăn: Trong các hành vi đã quy định có những hành vi còn mang tính định tính chưa lượng hóa được cụ thể như thế nào, sẽ khó khi xử lý. Ví dụ như hành vi xúc phạm đến nhân phẩm, con người, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức danh dự, nhân phẩm, cá nhân… những hành vi này ở mức nào mức nào thì mới được xử lý. Mặt khác, việc xử lý hành vi này liên quan đến việc yêu cầu xử lý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trước tòa án. Thứ hai, nếu có phim mà nội dung không vi phạm 2 quy định trên nhưng lại cổ súy cho lối sống ích kỷ, buông thả, thực dụng vô cảm, vô trách nhiệm với lịch sử với xã hội thì sẽ thế nào đề nghị cũng cần bổ sung vào điều cấm.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị cân nhắc quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự thảo luật vì chưa quy định rõ mục đích, nguồn thu, cơ chế quản lý của Quỹ.

Dự kiến, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.

Ngày mai (29/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); nghe và thảo luận tại tổ về Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025)./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực