Quốc hội tiến hành quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia

Thứ tư, 30/03/2016 15:31
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, sáng 30/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và bắt đầu kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn, các thỏa thuận vay nợ nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này hay không?

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường sáng 30/3. Ảnh: Đỗ Thoa

Theo báo cáo giải trình về định nghĩa điều ước quốc tế quy định tại dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Định nghĩa “điều ước quốc tế” trong dự thảo Luật phù hợp với quy định tại Công ước Viên về Luật Điều ước năm 1969 và thực tiễn pháp luật về điều ước quốc tế của các nước. Theo đó, có hai điều kiện cơ bản để một văn kiện được thừa nhận là điều ước quốc tế: Một là văn kiện đó phải được ký kết giữa quốc gia với một chủ thể của luật quốc tế, bao gồm quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ hoặc chủ thể khác (như vùng lãnh thổ Hồng Công, Ma Cao… (Trung Quốc)); Hai là văn kiện đó phải tạo ra quyền và nghĩa vụ của quốc gia theo công pháp quốc tế.

Theo định nghĩa “điều ước quốc tế” tại dự thảo Luật, nếu thỏa thuận vay đáp ứng được các tiêu chí của điều ước quốc tế (được ký kết với chủ thể của luật quốc tế và được điều chỉnh theo luật quốc tế như trường hợp các hiệp định vay Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… thì do Luật điều ước quốc tế điều chỉnh; nếu được ký với các ngân hàng thương mại không nhân danh Nhà nước hay Chính phủ nước họ thì không phải là điều ước quốc tế. Thỏa thuận vay khi không được coi là điều ước quốc tế sẽ có bản chất là hợp đồng kinh tế, các quyền và nghĩa vụ của các bên trong thỏa thuận vay vẫn được tôn trọng và thực hiện đầy đủ. Điểm khác so với điều ước quốc tế là trách nhiệm đó không xác định theo luật quốc tế mà theo luật quốc gia hoặc chế tài cụ thể quy định trong hợp đồng. Quy trình ký kết thỏa thuận vay không là điều ước quốc tế do Luật quản lý nợ công điều chỉnh, do đó đề nghị Quốc hội cho giữ định nghĩa về điều ước quốc tế như dự thảo Luật.

Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến nhất trí với định nghĩa điều ước quốc tế được quy định tại dự thảo Luật. Một số ý kiến cho rằng, các thỏa thuận vay nợ nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, vì có giá trị ràng buộc pháp lý quốc tế nên cần quy định cụ thể về mức độ, tiêu chuẩn khoản vay, mục đích và thẩm quyền phê duyệt đối với từng trường hợp.

Một số đại biểu đề nghị, Luật cần có chương riêng hoặc có điều khoản quy định về tổ chức tham vấn ý kiến của các đối tượng chịu tác động của các chuyên gia pháp lý, pháp chế các bộ, ngành trong quá trình xây dựng dự thảo, các đề xuất Điều ước quốc tế; phối hợp tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế có hiệu lực và cả những vấn đề còn trong dự thảo.

Đề cập tới mối quan hệ giữa Điều ước quốc tế với pháp luật trong nước, các đại biểu cho rằng, pháp luật nước ta không xác định rõ vị trí của Điều ước quốc tế trong mối tương quan với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, dự thảo luật lại quy định Điều ước quốc tế không được trái Hiến pháp và ưu tiên áp dụng Điều ước quốc tế trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì có thể hiểu là điều ước quốc tế đứng dưới Hiến pháp và trên Luật cho dù không phải văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng, do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm cả Hiến pháp nên quy định của khoản 1 Điều 6 chưa đầy đủ và chính xác. Đại biểu đề nghị cần xem xét, xác định rõ vị trí của điều ước quốc tế trong mối tương quan với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan đến quy định Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các đại biểu Huỳnh Minh Thiện (thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, theo quy định của luật hiện hành cũng như dự thảo Luật quy định, đây là 3 cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt  hoặc gia nhập Điều ước quốc tế. Do đó, Luật cần bổ sung quy định Chủ tịch nước, Chính phủ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Quốc hội về tình hình đàm phán, ký Điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, ban soạn thảo dự luật sẽ tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật tại kỳ họp này.

Cũng trong sáng nay, sau phần thảo luận, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Ngay sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Theo chương trình, cuối giờ chiều nay, Quốc hội nghe Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực