Sau 35 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước:

Chủ nhật, 25/04/2010 09:54

(ĐCSVN) – Sau 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh đã thật sự thay da đổi thịt. Ðảng bộ và nhân dân Thành phố đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn và không ngừng phấn đấu để trở thành địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.

 

 

 TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, xã hội của cả nước (Ảnh: tư liệu)

Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực phát triển trên nhiều lĩnh vực để xây dựng thành một đô thị văn minh, năng động, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc và đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ của một trung tâm kinh tế, văn hóa và giao dịch quốc tế của cả nước. Hướng phát triển của Thành phố sẽ là một đô thị đa trung tâm.

Trung tâm kinh tế của cả nước

Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 0,6% diện tích và 6,6 % dân số so với cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Hiện nay, Thành phố đóng góp khoảng 20% GDP, 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% tổng thu ngân sách cả nước, đứng đầu về mức bình quân GDP.

Với lợi thế là trung tâm kinh tế lớn cộng với sự nỗ lực trong cải cách hành chính, cải tiến thủ tục, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sau hai mươi năm đổi mới và hội nhập, đến nay thành phố có 3.141 dự án FDI được cấp giấy phép còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt gần 26 tỷ USD. Năm 2009, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn từ bên ngoài, song Thành phố vẫn có thêm 410 dự án lớn, nhỏ được cấp giấy phép với số vốn 1,58 tỷ USD.

Kinh tế Thành phố đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào chín ngành dịch vụ có thế mạnh và lợi thế so sánh, khuyến khích phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao là: tài chính-tín dụng-ngân hàng-bảo hiểm; thương mại; dịch vụ vận tải, kho bãi, hệ thống cảng; dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin-truyền thông; kinh doanh tài sản-bất động sản; dịch vụ tư vấn, khoa học-công nghệ, nghiên cứu và triển khai; du lịch; y tế; giáo dục và đào tạo.

Với thế mạnh do có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, một hệ thống cảng biển trải dài dọc theo sông Sài Gòn, hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, Thành phố Hồ Chí Minh đã là một cửa ngõ thông thương với quốc tế và là đầu mối giao thông vận tải quan trọng của Việt Nam.

Trung tâm Văn hoá – Du lịch

Có thể nói, Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển: có nền văn hoá mang dấu ấn của người Việt Nam, Hoa, Chăm, Khơ me, Ấn…

Rồi Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm của cả nước đón nhận những ảnh hưởng của văn hoá Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước. Đó là: bến Nhà Rồng, Bưu điện, Nhà hát lớn, đền Quốc Tổ, trụ sở UBNDTP, dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành…, hệ thống các ngôi chùa cổ như: chùa Giác Lâm, chùa bà Thiên hậu, Tổ Đình Giác Viên…; các nhà thờ cổ như: Nhà thờ Đức Bà, Huyện Sỹ, Thông Tây Hội, Thủ Đức…; là sự đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng với hàng chục lễ hội văn hoá hàng năm đã tạo nên tính thống nhất trong đa dạng văn hóa của mảnh đất phương Nam này. Trên từng con đường, góc phố, địa danh của thành phố đều gắn liền với những danh nhân văn hoá - lịch sử, những chiến công của một thành phố anh hùng.

Thành phố Hồ Chí Minh còn là trung tâm du lịch lớn của cả nước với những danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử. Sự năng động và nhạy bén đã giúp cho ngành du lịch Thành phố có bước đi vững chắc và tiến nhanh, mạnh trên con đường hội nhập quốc tế. Mỗi năm, nơi đây thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế tới tham quan. Thành phố Hồ Chí Minh hấp dẫn du khách không chỉ vì có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, công trình kiến trúc cổ mà còn thu hút du khách bởi văn hoá ẩm thực mang đậm nét Nam bộ. Hơn nữa, Thành phố còn là cửa ngõ đưa du khách đến với những địa danh nổi tiếng của cả khu vực phía Nam như: vùng nước nóng thiên nhiên Bình Châu, rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên, vùng biển Mũi Né, vùng ven biển Hà Tiên, Đà Lạt, đồng bằng sông Cửu Long.

 

 Dinh Thống Nhất - nơi thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan (Ảnh: tư liệu)

Kể từ năm 1990 trở lại đây, doanh thu du lịch của thành phố luôn chiếm từ 28% - 35% doanh thu du lịch của cả nước.
Trung tâm giáo dục- khoa học & công nghệ - Y tế

Cùng với tiến trình phát triển của đất nước, đồng hành với sự phát triển chung của nền giáo dục nước nhà, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước tiến rõ nét và ngày càng khẳng định vai trò là một trung tâm giáo dục – đào tạo chất lượng cao của nước ta.

Trong năm học 2008-2009, toàn thành phố có 638 cơ sở giáo dục mầm non, 467 trường cấp I, 239 trường cấp II, 81 trường cấp III và 55 trường cấp II, III. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh còn có rất nhiều trung tâm đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, tin học…Thành phố Hồ Chí Minh đã phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 1995, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở vào năm 2002, đang thực hiện phổ cập bậc trung học. Thành phố có một hệ thống trường lớp tương đối tốt với một cơ chế xây dựng khá hiệu quả.

Về giáo dục bậc đại học, trên địa bàn thành phố có trên 80 trường, trong đó có rất nhiều trường là các đại học quan trọng của Việt Nam. Trong số học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng của thành phố, 40% đến từ các địa phương khác trong cả nước.

Năm 2006 là năm đầu tiên ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương hội nhập. Thực hiện hội nhập quốc tế, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành theo 3 lộ trình căn bản: một là, tạo điều kiện để học sinh du học, giáo viên tham gia tu nghiệp quốc tế; hai là, mở rộng liên kết đào tạo, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, du nhập chương trình và phương pháp đào tạo tiên tiến; ba là, tích cực xây dựng trường học Việt Nam theo chuẩn quốc tế.

Thành phố Hồ Chí Minh có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật vừa đông về số lượng (hàng chục nghìn người), vừa được đào tạo rất đa dạng từ các nguồn khác nhau, có đủ trình độ để tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Trong thời gian qua, đã có nhiều đề tài khoa học quan trọng, mang tính ứng dụng cao được nghiệm thu và triển khai rộng rãi có hiệu quả trên thực tế.

Hiện, Thành phố đang triển khai áp dụng tương đối tốt những ứng dụng của khoa học công nghệ trong công tác quản lý Nhà nước. Các Sở, ban ngành, quận, huyện đã xây dựng được những trang web kết nối với cổng thông tin điện tử của Thành phố nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là Trung tâm y tế lớn nhất nước ta với số lượng cơ sở y tế được trang bị ngày càng hiện đại cũng như đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao nhiều nhất nước. Các chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được triển khai thường xuyên. Ngành y tế TP.Hồ Chí Minh luôn là đơn vị đi đầu cả nước trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển những kỹ thuật mới, những sáng kiến mới trong chẩn đoán và điều trị, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực