Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự đảm bảo cam kết quốc tế

Thứ tư, 20/10/2021 20:05
(ĐCSVN) - Chiều nay (20/10), Quốc hội họp nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.
Các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ

Cũng trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. 

Theo Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2022-2024, thu ngân sách trung ương hụt khá lớn, khoảng 28-29.000 tỷ. Đặc biệt, thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương đạt 2,5% dự toán. Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục trong các năm tiếp theo.

Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng: công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công. Việc vi phạm quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước, khai thác khoáng sản, chặt phá rừng trái phép, cháy rừng còn xảy ra ở một số nơi. Việc xử lý các dự án yếu kém còn nhiều vướng mắc.

Về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, một số quỹ hoạt động chưa hiệu quả, một số quỹ gần như không có hoạt động,... Đề nghị rà soát các Quỹ có số dư lớn nhưng nhiệm vụ chi chưa cần thiết, cấp bách, đã hết nhiệm vụ chi để điều chuyển về ngân sách nhà nước.

Về dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022, Ủy ban Tài chính ngân sách thống nhất với phương án Chính phủ trình, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch; Bố trí hợp lý, hiệu quả dự phòng ngân sách, dự trữ quốc gia; Bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, công khai, đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí; thực hiện chế độ báo cáo theo luật định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu. 

Đồng tình với dự án luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, do yêu cầu thực tiễn đặt ra, việc dự thảo luật sửa đổi một số quy định liên quan sở hữu trí tuệ trong Bộ luật Tố tụng hình sự là để phù hợp với CPTPP, bảo đảm sự tương thích với các cam kết quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Hiệp định CPTPP quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, Hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý.

Như vậy, nếu sửa đổi, bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến toàn bộ khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự như đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì sẽ mở rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP.

Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của Bộ luật Tố tụng hình sự để bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý.

Các đại biểu cho rằng, chính sách hình sự nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý (thuộc loại tội ít nghiêm trọng), quy định tại khoản 1 các điều tương ứng của Bộ luật Hình sự, thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại là trên cơ sở cân nhắc lợi ích của bị hại, dành cho họ quyền lựa chọn xử lý hoặc không xử lý bằng biện pháp hình sự.

Trường hợp phạm tội có mức độ nghiêm trọng hơn thì theo quy định của pháp luật tố tụng từ trước đến nay, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động khởi tố mà không phụ thuộc vào yêu cầu khởi tố của bị hại. Thực tiễn thực hiện các quy định này theo báo cáo tổng kết của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều thuận lợi, hiện nay chỉ phát sinh vướng mắc duy nhất là Bộ luật Tố tụng hình sự chưa tương thích với Hiệp định CPTPP.

Xuất phát từ mục đích xây dựng dự án luật là bảo đảm cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, do đó, chỉ thực hiện đúng phạm vi yêu cầu của hiệp định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt vấn đề đối với chỉ dẫn địa lý.

Ý kiến của Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Đối ngoại đều đề nghị cân nhắc kỹ việc sửa đổi này.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, các đại biểu cho rằng dự án Luật được ban hành phải đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nói riêng và quy định phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.

 Đáng chú ý, Dự án Luật sửa đổi theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an. Đồng tình với quy định này, đại biểu Nguyễn Hòa Bình, đoàn Quảng Ngãi đề nghị: Đối với vụ án gấp xảy ra trước mặt công an mà không cho làm thao tác ban đầu, bảo vệ hiện trường, xác minh lấy lời khai. Thời gian ban đầu rất quý cho phát hiện tội phạm. Đặt ra vấn đề cho công an xã làm việc này. Tôi cho việc này rất thực tiễn. Tôi thấy Viện Kiểm sát và Ủy ban Tư pháp thống nhất.

 Các đại biểu đề nghị bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc việc bãi bỏ nội dung cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại. Đại biểu Nguyễn Công Long, đoàn Đồng Nai đề nghị: Uy tín thương mại của doanh nghiệp Việt Nam gắn với chỉ dẫn địa lý chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu nông, lâm, thủy sản. Chúng ta thấy đặt ra hoàn thiện quy chế pháp luật trong đó có cơ chế hình sự sẽ bảo vệ tốt hơn nhà sản xuất Việt Nam, đặc biệt là nông dân Việt Nam. Với đặc trưng nền sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên chủ yếu uy tín chỉ dẫn địa lý thì nên đặt ra.

Cũng trong chiều nay, thảo luận ở tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, các đại biểu đồng tình với dự án luật bổ sung quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. Việc công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; đồng thời nhất trí với phạm vi sửa đổi như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị, ngoài 3 nhóm nguyên tắc chung được nêu trong Tờ trình, bổ sung cụ thể hơn một số nguyên tắc như Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cần bổ sung các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, năng suất, giá trị, mức độ phát triển bảo đảm phản ánh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các chỉ tiêu phản ánh chất lượng sống theo đo lường kết quả đầu ra; cụ thể hơn nguyên tắc phân định giữa hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và chỉ tiêu ngành, địa phương; tính khả thi về nguồn lực triển khai thực hiện và hướng tới tiết kiệm nguồn nhân lực và tài chính.

Ủy ban đề nghị rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm, hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp như: giáo dục (4 chỉ tiêu), khoa học và công nghệ (6 chỉ tiêu), doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (6 chỉ tiêu). Ngoài ra, bổ sung nhóm chỉ tiêu riêng cho “kinh tế số, chuyển đổi số”; làm rõ khái niệm, nội hàm, quy định cụ thể về đo lường quy mô nền kinh tế số, đóng góp của các ngành vào kinh tế số, hạch toán tài khoản quốc gia, cán cân thanh toán.

Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung nhóm chỉ tiêu liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiên cứu, bổ sung các chỉ tiêu về tỷ lệ tái chế chất thải sinh hoạt, bao bì, rác thải điện tử, rác thải hữu cơ...

Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê, nhấn mạnh công tác thống kê có vai trò vô cùng quan trọng, bởi nó thể hiện thực trạng của nền kinh tế đất nước, từ đó giúp Quốc hội và Chính phủ đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: việc luật hóa quy định này sẽ tăng cường hiệu lực pháp lý, hiệu quả trong công tác thống kê; nâng cao tính công khai, minh bạch cho số liệu thống kê nói chung và số liệu GDP nói riêng. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: Đề nghị cơ quan thẩm tra cũng như các chuyên gia tiếp tục rà soát là với quy định như thế đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa? Chúng tôi cũng đã làm việc với rất nhiều chuyên gia, người ta có ý kiến như thế này, khi có điều chỉnh GDP lớn như thế thì chuỗi chỉ tiêu thống kê trước và sau thời điểm điều chỉnh nên công bố cả 2. Ví dụ như tỉ lệ bội chi? GDP đã điều chỉnh, có mở ngoặc so với số chưa điều chỉnh là bao nhiêu mới có chuỗi số liệu so sách, nếu không quy về chuẩn thì so sánh khập khiễng./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực