"Sức nóng cải cách chưa ra được phòng họp của Chính phủ"

Thứ sáu, 01/04/2016 17:15
(ĐCSVN) – “Sức nóng và sự thôi thúc của công cuộc cải cách đối với nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước chưa ra được khỏi phòng họp của Chính phủ và khuôn viên của Văn phòng Chính phủ”.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình). Ảnh: KT

Đây là phát biểu của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) tại Hội trường Quốc hội sáng 1/4 khi thảo luận về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua và nhiệm kỳ tới.

Tạo việc làm - nhiệm vụ quan trọng hơn cả tăng trưởng GDP

Mở đầu phần phát biểu, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề cập đến vấn đề đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt cho giới trẻ và những người lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Báo cáo về tình hình lao động việc làm do Tổng cục Thống kê vừa công bố đã đưa ra con số rất đáng suy ngẫm. Gần 48% trong tổng số 1,12 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong toàn quốc là 6,47%, cao gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 25 tuổi trở lên. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở thành thị, với 9,51%, nghĩa là cứ 10 thanh niên ở thành thị có gần 1 người thất nghiệp. Báo cáo cũng dẫn ra con số 17,47 triệu lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức với thu nhập thấp và không ổn định, chiếm tỷ lệ 56,4%. Tỷ lệ này ở nông thôn cao hơn rất nhiều so với thành phố, chiếm tới 64,1%.

Theo đại biểu, Báo cáo của Tổng cục Thống kê đã không đưa ra con số về số lượng người thiếu việc làm nhưng trong Báo cáo của Chính phủ đã nhận định số người thiếu việc làm và việc làm không đầy đủ còn rất nhiều. Mặc dù các cơ quan chức năng đã không đưa ra được con số chính xác nhưng tất cả chúng ta đều hiểu rằng không chỉ thất nghiệp mà cả tình trạng thiếu việc làm. Hay như cách nói của thế giới là thất nghiệp trá hình hay bán thất nghiệp đang là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế và nỗi đau của các gia đình, đặc biệt là các gia đình còn nghèo ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nơi có tới 70% dân số của nước ta đang sinh sống. Thất nghiệp, đặc biệt là tình trạng thiếu việc làm đang gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Thêm vào đó, theo đại biểu, mỗi năm chúng ta có thêm 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động, cộng với hàng triệu, thậm chí chục triệu người sẽ không còn kế sinh nhai trong khu vực nông nghiệp do quá trình tái cấu trúc cần có việc làm và sẽ trở thành áp lực ngày càng lớn đối với đất nước trong thời gian tới. Để giải tỏa áp lực này, nền kinh tế cần phải tạo ra được hàng trục triệu chỗ làm việc mới trong thời gian 5-10 năm tới.

“Tôi đề nghị, phải xác định nhiệm vụ tạo việc làm mới, việc làm đàng hoàng cho người dân, phải là một nhiệm vụ quan trọng ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm” – đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, xét về tầm mức ảnh hưởng đối với phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, thậm chí chỉ tiêu và nhiệm vụ này còn quan trọng hơn cả nhiệm vụ tăng trưởng GDP hay tăng thu ngân sách trong cả nước và mỗi địa phương.

Đại biểu đặt câu hỏi: Nhưng ai sẽ là chủ thể tạo ra việc làm cho nền kinh tế?

Trả lời câu hỏi này, đại biểu nhận định, Nhà nước bao gồm cả khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình cải cách tinh giản biên chế và tái cấu trúc không có khả năng tạo ra thêm việc làm cho xã hội. Khu vực đầu tư nước ngoài có khả năng tạo việc làm cho một số lĩnh vực nhưng không bền vững.

Theo đại biểu, cỗ máy tạo việc làm lớn nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Điều này đúng với Việt Nam và đúng với mọi nền kinh tế thị trường. “Do vậy, phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh để tạo việc làm cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng, để có một Việt Nam phát triển và tự chủ là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế” – đại biểu nhấn mạnh.

Vị đại biểu chỉ ra rằng, để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước rất cần xây dựng ở Việt Nam một hệ sinh thái thuận lợi cho khởi nghiệp và một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp. Với mục tiêu có được ít nhất 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020, nếu tính bình quân 1 doanh nghiệp có thể tạo ra 20 chỗ làm việc cho nền kinh tế thì với 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp chúng ta có thể tạo ra 30-40 triệu việc làm bền vững ở Việt Nam.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, kế hoạch 5 năm 2016-2020 nên là kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp. Nhiệm vụ của nhà nước trong kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia là xây dựng và thực hiện chương trình hành động đáp ứng được yêu cầu, được nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định dứt khoát đến năm 2020 chúng ta phải phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Sức nóng cải cách chưa ra được phòng họp của Chính phủ

Đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích; "một trong những nội dung quan trọng của chương trình hành động này là phải xác định thật rõ lộ trình và các chỉ tiêu định lượng phải đạt được trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta trong mối quan tương quan so sánh với các nền kinh tế khác, không phải chỉ kiểu ta so với ta, hay mẹ hát con khen hay... Cải cách thể chế phải với tầm nhìn chẳng kém ASEAN ở phương Nam và không thua nước láng giềng phương Bắc. Với vị trí địa lý kinh tế của chúng ta, muốn phát triển và muốn tự chủ chúng ta không có một sự lựa chọn nào khác”.

Theo đại biểu, Nghị quyết 19 của Chính phủ 2014 - 2015 đã đề ra chương trình cải cách theo hướng này và bắt đầu triển khai thực hiện có kết quả. Tuy nhiên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chưa thành công trong việc thiết lập kỷ luật thực thi trong hệ thống hành chính của mình. Nhiều vị tư lệnh ngành và người đứng đầu một số địa phương đã không triển khai nghiêm túc chương trình hành động thực hiện cải cách thể chế theo nghị quyết của Chính phủ. Đại biểu dẫn chứng: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được phân công theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện Nghị quyết 19 mới có báo cáo tại phiên họp tháng 3 của Chính phủ. 18 bộ, ngành, 50 tỉnh, thành phố đã không gửi báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết này trong quý I theo đúng quy định. Sức nóng và sự thôi thúc của công cuộc cải cách đối với nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước đã chưa ra được khỏi phòng họp của Chính phủ và khuôn viên của Văn phòng Chính phủ”.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị, Chính phủ nhiệm kỳ mới cập nhật nội dung và xây dựng chương trình hành động tổng thể cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho cả nhiệm kỳ 5 năm và trình ra Quốc hội. Theo đại biểu, đây là thời điểm thích hợp để Quốc hội có thể xem xét một nghị quyết về một chương trình hành động cải cách như thế và đảm bảo tính đồng bộ, khả năng thực thi cao hơn, đồng thời tăng cường vai trò giám sát thúc đẩy cải cách thể chế của Quốc hội. Đại biểu cho rằng, làm được điều này Quốc hội sẽ chung tay được với Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách, vượt qua được lực cản của các nhóm lợi ích và sự trì trệ cố hữu của một số cơ quan hành chính và sẽ tạo ra làn sóng cải cách lần thứ hai trong nền kinh tế nước ta.

“Có cử tri của Thái Bình đã nói với tôi rằng, chúng tôi phải chờ lâu quá, con đường dài nhất về Việt Nam không phải là từ Mục Năm Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến việc làm của nhiều cấp chính quyền và công chức. Cử tri kỳ vọng Quốc hội và Chính phủ khóa XIV sẽ là Quốc hội và Chính phủ của hành động để con đường dài nhất Việt Nam mãi vẫn là con đường từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau” – đại biểu chốt lại phần phát biểu./.

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực