Tập trung, dồn “cả tâm cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai

Thứ sáu, 30/10/2020 20:34
(ĐCSVN) - Công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống người dân là một trong những nội dung quan trọng được báo chí quan tâm tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 30/10.

Khẩn trương có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong ngày 30/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10/2020. 

Mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành thời gian mặc niệm, tưởng niệm và chia sẻ những mất mát, đau thương, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ do bão lũ lịch sử gây ra ở miền Trung vừa qua.

Như chúng ta đều đã biết, từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Lần đầu tiên trong nhiều năm lũ chồng lũ, bão chồng bão. Tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung thảo luận về hai nội dung lớn: Một là, tình hình thiên tai, bão lũ và công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống người dân; hai là, về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm. Chính phủ đã đánh giá, thảo luận kỹ về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền Trung vừa qua và những giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời, đưa ra những biện pháp tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế.

Bộ trưởng nêu rõ, bão lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề, nhưng càng khó khăn, chúng ta càng thấy tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, thấy sự đoàn kết, chung sức chung lòng của cả dân tộc trong khó khăn, cả nước đã hướng về miền Trung ruột thịt. Chúng ta cũng thấy được quyết tâm rất lớn rằng, càng khó khăn càng có ý chí vượt khó để đưa đất nước tiến lên.

“Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, chiến sĩ cả nước tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi hợp báo. Ảnh: CP. 

Nhận định khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định: Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, dồn “cả tâm cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân. Khẩn trương có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất, không để người dân bị đói, rét, màn trời chiếu đất. Khẩn trương khôi phục lại cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; hỗ trợ người dân về giống và vốn để phục hồi sản xuất; nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường, có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh sinh viên, các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm duy trì chương trình, nội dung học tập, không để các em thiếu sách vở đồ dùng học tập; hết sức chú ý có phương án chủ động ứng phó với các đợt bão lũ, thiên tai có thể tiếp tục xảy ra.

Thủ tướng nêu rõ, càng khó khăn, chúng ta càng quyết tâm hơn nữa, ý chí hơn nữa để đưa đất nước tiến lên. Tình cảm tương thân tương ái của nhân dân cả nước với miền Trung chính là phải tăng sức sản xuất, phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp cho tổn thất, mất mát về cơ sở vật chất, đời sống của người dân miền Trung.

Cần ứng dụng khoa  học công nghệ trong cảnh báo thiên tai

Tại buổi họp báo, trả lời về biện pháp chống chọi đối với các hình thái mưa lũ cực đoan, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết các công trình nhà dân chủ yếu vẫn chống chọi được; thiệt hại chủ yếu là mái tôn, cổng và vách kính. Tuy nhiên, đối với lũ quét và sạt lở đất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng gần như không có giải pháp, công trình nào chịu được. Thứ trưởng nhấn mạnh, biện pháp quan trọng nhất là người dân không xây mới ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Liên quan đến câu hỏi của báo chí về hoạt động con người có tăng thêm mức độ nghiêm trọng hậu quả thiên tai hay không, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho rằng ở khu vực miền Trung có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, địa chất khu vực miền Trung được đánh giá là đồi núi cao, phân cắt mạnh, có nhiều loại đất đá cổ, bị đập vỡ, nứt nẻ, tạo lớp vỏ phong hóa dày, nhiều đất sét. 

Bên cạnh đó, ông Thành cũng đề cập đến các tác động của con người khiến việc sạt lở đất thêm phức tạp. Trong đó có xây dựng đường sá, san ủi lấy mặt bằng xây dựng các công trình xã hội, dân cư và cả các nhà máy thủy điện.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ thêm: Chính phủ đánh giá rất kỹ, rất rõ về chỉ đạo điều hành và cảnh báo thiên tai.

“Chúng tôi cũng cảnh báo trước 15 ngày trước trận lũ lịch sử ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho rằng do đợt thiên tai lần này rất dị thường và bất thường, chưa bao giờ 20 ngày mà 4 trận bão, lũ chồng lũ, bão chồng bão. Do đó, nó gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Theo đó, việc ứng phó đã được thực hiện chủ động. Cả lực lượng công an và quân đội tham gia tích cực, trong đó có người đã bị hy sinh, thương. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, cần lực lượng chuyên nghiệp hơn, trang thiết bị hiện đại, phù hợp với địa bàn, điều kiện. Mặc dù thời gian qua chúng ta đã đầu tư nhiều nhưng cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thứ trưởng thông tin thêm: Sạt lở đất diễn ra rất phức tạp, không theo quy luật. Vừa rồi những chỗ bị sạt lở như ở Nam Trà My (Quảng Nam) không có trong diện cảnh báo. Vì vậy, cần ứng dụng khoa học công nghệ trong cảnh báo thiên tai./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực