Tập trung nguồn lực nâng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công

Thứ năm, 08/12/2022 10:46
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Các đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị cần tập trung nguồn lực nâng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công; có chính sách thu hút đầu tư nước sạch, thu gom rác thải; nâng tỷ lệ phủ nước sạch lên 100%, xử lý nước thải lên 50%; tập trung tháo gỡ khó khăn, đạt tốc độ tăng trưởng; thực hiện cải cách hành chính gắn với phân cấp, uỷ quyền...
Quang cảnh kỳ họp. 

Tại phiên làm việc chiều 7 và sáng 8/12, Kỳ họp thứ 10 HĐND TP TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã thảo luận tổ và tổng hợp ý kiến thảo luận tổ về các nhóm nội dung: Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 của thành phố; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ ngân sách TP Hà Nội và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025.

Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2023 (gồm phân bổ vốn sự nghiệp và vốn đầu tư công năm 2023; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp thành phố); Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo thảo luận và tổng hợp thảo luận của Thường trực HĐND TP, tại các tổ, 55 lượt đại biểu HDNĐ TP đã phát biểu với gần 200 nội dung, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ với nhiều vấn đề đặt ra.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu đều đánh giá trong bối cảnh tình hình chính trị của thế giới có nhiều biến động, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và suy thoái kinh tế, Thành phố đã tích cực tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 từ giai đoạn đầu năm và triển khai mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bức tranh kinh tế của Thủ đô có nhiều điểm sáng với kết quả nổi bật là: Hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó vượt Kế hoạch 5 chỉ tiêu; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 106,8% dự toán; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch được phục hồi với nhiều chỉ số tích cực…

Thành phố đã quan tâm đến triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…; triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng trong năm bản lề thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là đánh giá nỗ lực của hệ thống chính trị Thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố trong việc phối hợp chặt chẽ với các tỉnh hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu để báo cáo Chính phủ và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô; phối hợp với các tỉnh ký giao ước thi đua hoàn thành giải phóng mặt bằng để khởi công dự án, tạo cơ hội phát triển cho thành phố và cả vùng trong tương lai gần.

Về những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân, các đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ hơn để rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp trong nhiều năm. Trong đó các nhóm các dự án trọng điểm của thành phố triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu theo cam kết, chỉ đạo, giám sát của Thành ủy và các Nghị quyết của HĐND TP.

Đại biểu Lê Ngọc Anh (Tổ Phú Xuyên) cho rằng để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhất là các huyện khu vực phía Nam thì thành phố cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho các địa phương này. Trong đó cần tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư Khu công nghiệp Nam Hà Nội, thể hiện qua việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, vì điều này ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công. Đại biểu dẫn chứng, ngay tại huyện Phú Xuyên có 3 dự án lớn gặp nhiều vướng mắc trong công tác này, đặc biệt là việc bố trí tái định cư cho các dự án.

Đại biểu thảo luận tại kỳ họp. 

Bí thư Quận uỷ Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho hay, nhiều công trình trọng điểm không đạt tiến độ đề ra, ít công trình đi vào sử dụng cho thấy sự dàn trải, kém hiệu quả. Những điểm nghẽn rất lớn của đầu tư công vẫn chưa giải quyết được. Là vấn đề khó, Hà Nội phải là địa phương đi đầu cùng Chính phủ tháo gỡ. Có tiền đầu tư đã khó mà không sử dụng được là vấn đề. Những điểm nghẽn trong giao đất, đấu giá, đấu thầu cần phải được tháo gỡ…

Đại biểu Nguyễn Trường Sơn (tổ đại biểu huyện Quốc Oai) kiến nghị thành phố quan tâm đầu tư hạ tầng cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nhất là đối với các huyện còn khó khăn về nguồn lực. Cùng với đó, tiếp tục rà soát các dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ để đôn đốc triển khai. Xem xét hướng giải quyết về nguồn nhân lực cho cấp huyện, nhất là trong bối cảnh cấp huyện sẽ thực hiện rất nhiều phần việc sau khi thành phố thực hiện phân cấp, ủy quyền, nếu không có sự chủ động sẽ dẫn đến quá tải…

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (tổ đại biểu thị xã Sơn Tây) cho rằng phải phân tích, đánh giá sâu hơn về chỉ tiêu nước sạch nông thôn. Theo đó, chỉ tiêu hết năm 2022 dự kiến cấp nước sạch nông thôn đạt 85%, tương ứng tăng thêm 20 xã. Như vậy, toàn Thành phố còn 149 xã chưa được cấp nước sạch, trong đó có 121 xã trước đây thành phố đã giao cho các nhà đầu tư thực hiện, còn 28 xã chưa có nhà đầu tư cần phải kêu gọi nhà đầu tư tham gia. “Dự kiến năm 2023 chỉ tiêu cấp nước sạch nông thôn tăng thêm 5%, tức là thêm trên 20 xã là chưa hợp lý, cần xem xét kỹ hơn về chỉ tiêu này. Trong khi nhiều xã đã có nhà đầu tư nhưng chậm triển khai, cần tháo gỡ những vướng về cơ chế, thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ.Các đại biểu đề nghị bổ sung, đánh giá làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố; có báo cáo cụ thể hơn, rõ hơn về việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan trong việc thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chậm so với kế hoạch” – đại biểu Nguyễn Nguyên Quân phát biểu.

Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng còn xảy ra, nhất là vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp, các đại biểu đề nghị có thống kê làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan) để có biện pháp xử lý và quản lý trong thời gian tới.

Thảo luận nhiều vấn đề “nóng” cử tri quan tâm

Đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị báo cáo rõ hơn nguyên nhân chậm thực hiện đánh giá trường chuẩn quốc gia và công nhận, công nhận lại các trường chuẩn quốc gia theo kế hoạch, báo cáo tình trạng nhiều giáo viên công lập nghỉ việc, thôi việc, nhất là giáo viên mầm non. Đề cập đến đến tình trạng viên chức y tế, giáo dục nghỉ việc, bỏ việc, đại biểu Duy Hoàng Dương đề nghị cần phân tích rõ nguyên nhân dẫn; làm rõ thành phần đối tượng, độ tuổi, trình độ, số lượng cụ thể... Cần rà soát, điều chỉnh thực hiện quy hoạch mạng lưới y tế, giáo dục; đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới giáo dục, y tế để phù hợp với phát triển Thủ đô trong tình hình mới; xây dựng cơ chế tự chủ cho hai lĩnh vực này.

Đại biểu cũng cho biết, thời gian qua UBND TP chỉ đạo nghiêm công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự nhưng nay có trên 48 nghìn cơ sở có tồn tại, hạn chế về phòng cháy chữa cháy đang hoạt động, phải nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quán lý, kiểm tra, kiểm soát-đặc biệt tập huấn cho tổ dân phòng; nhân rộng các mô hình thực hiện tốt phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị bổ sung, báo cáo rõ về tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc làm, tỷ lệ lao động thất nghiệp trên địa bàn thành phố để có các giải pháp năm 2023. Đại biểu đề nghị thành phố có biện pháp hữu hiệu nhằm quản lý hiệu quả công tác quản lý nhà chung cư tái định cư, quỹ nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước còn bất cập. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công trên địa bàn thành phố...

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại kỳ họp. 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, các đại biểu cũng đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 như: Có giải pháp cụ thể để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến lạm phát; tập trung thực hiện kịp thời các giải pháp vĩ mô để tháo gỡ điểm nghẽn trong lưu thông tiền tệ và giao dịch bất động sản. Đặc biệt, cần có các dự báo và giải pháp ứng phó với sự đổ vỡ của trái phiếu, thị trường bất động sản; rà soát tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn năng lực thực hiện... Đề xuất UBND TP tổ chức hội nghị đối thoại để thành phố được nghe các doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Thanh Nam bày tỏ đồng tình với đánh giá năm 2023 tiếp tục có những khó khăn tiềm ẩn như rủi ro trong hoạt động của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt ngành nghề sử dụng nhiều lao động, ngành có lãi suất tăng cao, sử dụng lao động cơ hữu... dẫn đến đảm bảo việc làm khó khăn. Vì thế, trong các chỉ tiêu đánh giá năm 2023 cần quan tâm tỉ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn; phân tích rõ tỉ lệ doanh nghiệp giải thể để có điều chỉnh về chính sách.

Các đại biểu đề nghị tập trung chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm của thành phố và nâng cao tỷ lệ giải ngân; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư, trong đó có dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và nhanh chóng hoàn thành và thực hiện Đề án khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thực hiện các dự án tái định cư để đảm bảo quá trình giải phóng mặt bằng đúng tiến độ.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy, phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ-trong đó có các chính sách hỗ trợ quy hoạch làng nghề và hoạt động của các làng nghề trên địa bàn. Tập trung giải quyết các nội dung liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu để khai thác hiệu quả hơn nguồn lực từ đất đai.

Các đại biểu đề nghị tăng cường công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, đặc biệt là quản lý khai thác cát sỏi lòng sông, bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng và quản lý giá vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố...

Đồng thời, tăng cường công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các vụ việc phức tạp. Kịp thời giải quyết dứt điểm các đơn thư liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng; nhất là tại các dự án trọng điểm, dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô khi có đơn thư phát sinh.../.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực