Tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp

Thứ hai, 04/11/2019 11:22
(ĐCSVN)- Uỷ ban Tư pháp nhận định, tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận, song việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và còn giảm so với cùng kỳ.

Sáng 4/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV,  Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Năm 2019, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta. Các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá trên các lĩnh vực; áp lực gia tăng tội phạm ngày càng lớn... Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Tỷ lệ điều tra khám phá án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao

 Trong đó, kết quả nổi bật đã bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là các âm mưu kích động biểu tình, gây rối, khủng bố, phá hoại. Công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 78% (cao hơn 8% so với chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng án rất nghiêm trọng đạt 91,32%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,02%); về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đã bị trấn áp mạnh, tạo được chuyển biến tích cực; qua đó đã góp phần làm giảm 1,95% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ 2018.

 Đáng chú ý, các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ điều tra, bảo đảm đúng tiến độ, việc thu hồi tài sản đạt kết quả tốt hơn; phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm. Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt được kết quả rõ nét, trong đó đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn (trên 6 tấn ma túy tổng hợp). Phát hiện, triệt phá nhiều vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các vụ lừa đảo, cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.... 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công an, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Số vụ phạm pháp hình sự tuy giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo; tội phạm xâm hại trẻ em trẻ em; tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp, hoạt động “tín dụng đen”... Tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia hoạt động mạnh. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực vẫn còn thiếu sót chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình, còn kẽ hở cho tội phạm, vi phạm pháp luật. Công tác phòng ngừa tội phạm hiệu quả chưa cao. Vi phạm hành chính diễn ra phổ biến trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc xử lý chưa nghiêm…

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. (Ảnh: TL)

Một số lĩnh vực phát hiện còn chậm, xử lý chưa nghiêm

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định: Năm 2019, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu của Nghị quyết 63 của Quốc hội. 

Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, việc phát hiện còn chậm, số lượng chưa tương xứng, chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm trên thực tế, kết quả xử lý chưa nghiêm, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong quản lý nhà nước:

Trong đó, phải kể đến, tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong nhân dân và dư luận, tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và giảm 4,18% so với cùng kỳ.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải, xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn và ô nhiễm nguồn nước đáng báo động nhưng công tác phòng ngừa, xử lý chưa đạt yêu cầu, việc xử lý hình sự còn rất thấp so với số vi phạm phát hiện được…

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mới đạt 87,4%, chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Còn 2.261 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá hạn giải quyết. 

Năm 2019, còn để xảy ra một số trường hợp bị khởi tố oan. Đáng lưu ý, số lượng các vụ án tạm đình chỉ điều tra trong năm 2019 vẫn tăng tới 2.115 vụ. 

“Đây là vấn đề lớn, Uỷ ban Tư pháp đã kiến nghị qua nhiều năm nhưng số vụ tạm đình chỉ không những không giảm mà tiếp tục tăng lên qua các năm, cho tới nay còn tới 96.800 vụ án bị tạm đình chỉ, trong đó một số vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Đề nghị Chính phủ có giải pháp để xử lý tình trạng này”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nói./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực