Thêm lực lượng tham gia bảo vệ: Có “phình” bộ máy, tăng kinh phí?

Thứ ba, 17/11/2020 14:40
(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, sáng 17/11.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), Đào Thanh Hải (Hà Nội) bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở và cho rằng thực hiện Luật này chỉ là tổ chức lại lực lượng đang có, đang làm nhiệm vụ chứ không làm phát sinh thêm biên chế.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng: Việc tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nếu làm tốt sẽ góp phần đáng kể để cùng với các lực lượng khác đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn tốt hơn, tạo điều kiện cho an sinh xã hội, kinh tế phát triển.

 Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) phát biểu tại Hội trường.(Ảnh: TH)

“Tôi nhất trí cao cần có lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhưng cần tổ chức thống nhất để phát huy thật mạnh. Thật sự là lực lượng nòng cốt trong vấn đề bảo vệ an ninh chính trị”, đại biểu Lê Chiêm nói.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) chỉ ra, theo tính toán của cơ quan trình dự án Luật này, cả nước có 1,5 triệu người trên toàn quốc tham gia lực lượng trên và hưởng ngân sách. Nếu Luật được thông qua, chúng ta sẽ giảm được 500.000 người. Song theo tính toán của đại biểu thì các lực lượng cơ sở sẽ làm tăng biên chế thêm 804.000 người ăn lương từ ngân sách địa phương.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ bày tỏ lo ngại ngân sách của địa phương sẽ không còn để đầu tư phát triển, hay bố trí cho việc an sinh xã hội. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị nghiên cứu có cần ban hành đạo luật sẽ gây tốn rất nhiều ngân sách của nhà nước và địa phương?.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Mai Bộ cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính ước tính chi phí trụ sở và chi phí cho lực lượng hoạt động sẽ chiếm tỉ trọng bao nhiêu trong ngân sách của chính quyền địa phương cấp xã để thấy người dân không đến mức độ vi phạm pháp luật nhiều mà phải bố trí lực lượng lớn như vậy, trong khi việc cần làm là đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo, cho xã hội đang rất lớn.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ở mỗi địa phương khác nhau. Có địa phương thành lập đội dân phòng theo Luật Phòng cháy, chữa cháy, nhiều địa phương do điều kiện ngân sách khó khăn nên không thành lập cho nên số lượng người thực tại ít hơn so với Tờ trình của Chính phủ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định, việc gộp ba lực lượng là: lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách là một, có khả năng giảm ngân sách chi cho ba lực lượng trên càng không có cơ sở.

“Thứ nhất, chưa có đánh giá tác động, chưa có tổng kết các lực lượng này để rút kinh nghiệm để xem những lực lượng này hoạt động trong thời gian qua được gì, chưa được gì mà vội vã ban hành Luật là chưa thực sự khách quan. Thứ hai, nếu gộp ba lực lượng này với nhau thì sẽ tăng thêm số lương có khoảng 1,5 triệu người chứ không giảm như Tờ trình. Thứ 3, số lượng tiền chi bồi dưỡng cho lực lượng này hàng tháng cũng tăng nhiều hơn so với thực tế hiện này. Thứ tư, lưc lượng này hiện nay đã hoạt động ổn định và đã phối hợp tốt với lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, phường, thị trấn trong bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương cho nên không cần thiết thành lập lực lượng mới”, đại biểu phân tích.

Cho rằng tính khả thi của dự án Luật cần phải đánh giá sát với thực tế, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn, khi dự án Luật này được thông qua thì các mô hình tự quản khác có duy trì tiếp hay không và tính pháp lý của các lực lượng này thế nào?./.

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực