Thủ tướng Chính phủ: Phải quyết tâm, nỗ lực, hành động quyết liệt, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa

Thứ hai, 03/07/2017 15:47
(ĐCSVN) - Ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017, với sự tham dự của lãnh đạo tất cả các địa phương trên cả nước dưới hình thức trực tuyến.

Trong ngày 3/7, Hội nghị sẽ bàn về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017; tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2017; báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng; báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; báo cáo công tác cải cách hành chính; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; báo cáo thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực

6 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Các Bộ, ngành đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, nhất là các Nghị quyết 01, 19, 35 và Chỉ thị số 24 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017. Đến nay, tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt 5,73%, cao hơn mức 5,52% cùng kỳ năm ngoái, trong đó nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh (cả năm 2016 đạt 6,21%).

Khách quốc tế tăng trên 30%. Tín dụng tăng 8%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm. Xuất khẩu tăng gần 19%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Thu ngân sách tăng mạnh, có nhiều giải pháp bảo đảm nguồn thu. Vốn FDI tăng mạnh, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt trên 19 tỷ USD, tăng 54,8%, vốn thực hiện 7,7 tỷ USD, tăng 6,5%. Có trên 61.000 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn gần 600.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chính trị xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội cơ bản bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả…

Cần cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận mặc dù gặp khó khăn chung của quốc tế và khu vực, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả bước đầu.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra các mặt hạn chế, khó khăn, thách thức như: việc tiêu thụ một số nông sản còn khó khăn, giá bán giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng còn thấp hơn so với cùng kỳ; Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Chi phí sản xuất còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nửa năm mới đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao và gần 26% dự toán Quốc hội giao; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn còn chậm.

Mặt khác, còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc như mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tập thể, bất cập trong khám chữa bệnh, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường…

Nhấn mạnh nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề, Thủ tướng cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 7,42%, đây là mục tiêu cao nhưng có cơ sở, căn cứ để đạt được bởi các ngành, các lĩnh vực chủ yếu đang phục hồi mạnh; xu hướng quốc tế, trong nước đều thuận lợi.

“Vấn đề đặt ra là chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý sản xuất kinh doanh và vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung vào đề xuất giải pháp cụ thể, đồng thời  đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong sản xuất, tiêu thụ lúa, nông sản, thịt lợn, gà, trái cây; giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn…

Thủ tướng lưu ý: “Trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã đưa ra nhiều cơ chế, nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ, đầy đủ nhưng việc triển khai còn thiếu lửa, không quyết liệt trong một bộ phận cán bộ, công chức. Một số cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện còn cầm chừng, không tâm huyết, kém hiệu quả. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn để xảy ra tai tiếng do tham nhũng và lợi ích nhóm ".

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị phải cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính bởi người dân và doanh nghiệp vẫn còn kêu vấn đề này rất nhiều đến Chính phủ, các cấp, các ngành và lãnh đạo các địa phương.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực