Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Kazakhstan ngày càng đi vào chiều sâu

Thứ hai, 27/06/2022 20:47
(ĐCSVN) - Đánh giá kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan trong 30 năm qua, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov khẳng định, hai nước đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực hợp tác và đang phấn đấu tiến xa hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov.
(Ảnh: ĐSQ Kazakhstan tại Việt Nam cung cấp) 

Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Kazakhstan (29/6/1992 - 29/6/2022), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov đã có cuộc chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những thành tựu cũng như triển vọng phát triển quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn.

PV: Thưa Đại sứ, xin ông cho biết những kết quả hợp tác của Việt Nam - Kazakhstan sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?

Đại sứ Yerlan Baizhanov: Kazakhstan và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ đầu, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao và mở các Đại sứ quán đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển hợp tác song phương. Kể từ đó, Kazakhstan và Việt Nam đã đi được một chặng đường dài. Hai nước duy trì đối thoại chính trị thường xuyên ở tất cả các cấp, tăng cường trao đổi tại các diễn đàn song phương và đa phương, góp phần củng cố hòa bình và an ninh toàn cầu.

Về kinh tế, ngay từ khi thiết lập quan hệ hợp tác, Kazakhstan và Việt Nam đã có những hoạt động giao thương, buôn bán qua lại. Tuy nhiên, quá trình này đặc biệt sôi động sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam có hiệu lực từ tháng 10 năm 2016. Hiệp định này đã khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước. Chỉ trong vòng vài năm, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã có sự tăng trưởng khá tích cực. 

Theo Ủy ban Doanh thu Nhà nước của Bộ Tài chính Cộng hòa Kazakhstan, năm 2021 tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Kazakhstan và Việt Nam đạt 426,1 triệu USD, tăng 11,6% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Kazakhstan sang thị trường Việt Nam đạt 81,3 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kì. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Kazakhstan đạt 344,8 triệu USD, tăng 11,6% so với năm 2020. Mặt hàng xuất khẩu chính từ Kazakhstan sang Việt Nam là chì và các sản phẩm từ chì, sắt và thép. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Kazakhstan là điện thoại, thiết bị văn phòng, các sản phẩm quần áo, giày dép. Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước còn rất lớn, do đó hai bên cần tìm kiếm những cơ hội mới để tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại song phương tương xứng với tiềm năng hiện có.

Tôi cho rằng, thế mạnh lớn nhất trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước là sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau về chính trị ở mức độ cao. Hai nước có chung quan điểm và lập trường trong các vấn đề quốc tế. Kazakhstan coi Việt Nam là một đối tác quan trọng. Mới đây, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã gửi lời mời Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới thăm cấp nhà nước Kazakhstan trong năm nay. 

PV: Là một đất nước nằm ở trung tâm lục địa Á-Âu, kết nối châu Á với châu Âu, vậy Kazakhstan có thể tận dụng tiềm năng về logistic như thế nào để tăng cường hợp tác giao thương với Việt Nam?

Đại sứ Yerlan Baizhanov: Với vị trí địa lý thuận lợi, ngày nay, Kazakhstan đã trở thành trung tâm vận tải và trung chuyển toàn cầu hiện đại, kết nối các thị trường lớn và phát triển nhanh của Trung Quốc và Nam Á với Nga và Tây Âu bằng đường bộ, đường sắt và cảng trên biển Caspi. Kazakhstan là cửa ngõ thương mại dẫn đến thị trường có khoảng hơn 500 triệu người tiêu dung ở các khu vực EAEU, Trung Á, Tây Trung Quốc và các nước Biển Caspi. Năm hành lang vận tải quốc tế đi qua lãnh thổ Kazakhstan cho phép giảm đáng kể khoảng cách và thời gian vận chuyển hàng hóa theo hướng Đông Tây, Bắc Nam. Kazakhstan chiếm 70% tổng lượng vận tải đường bộ trung chuyển giữa Trung Quốc và châu Âu, trong đó vận tải đường bộ và đường sắt nhanh gấp 3 lần vận tải đường biển.

Hành lang vận tải Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan (EAEU) - Châu Âu là một giải pháp thay thế tốt cho vận tải đường biển và sẽ cho phép vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam và các nước ASEAN đến Châu Âu trong thời gian tương đối ngắn.

Để thúc đẩy giao thương với Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Kazakhstan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ trên nguyên tắc cùng có lợi, sử dụng lợi thế của hai bên để bổ sung cho nhau, nâng cao giá trị và thúc đẩy sự phát triển. Theo đó, hai bên sẽ đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện các thủ tục logistic, tăng khối lượng giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty vận tải hai nước hoạt động hiệu quả hơn.

PV: Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế?

Đại sứ Yerlan Baizhanov:  Trong những năm qua, với sự tương đồng về lập trường chính trị và sự ủng hộ lẫn nhau, Kazakhstan và Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả hợp tác tích cực tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là tổ chức LHQ. Đây là một kênh phối hợp quan trọng cần thúc đẩy trong thời gian tới. Kazakhstan đánh giá cao việc Việt Nam ủng hộ các sáng kiến quốc tế của Kazakhstan, đặc biệt là tiến trình Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA). Vào tháng 10 năm nay, Hội nghị Thượng đỉnh CICA lần thứ 6 sẽ được tổ chức tại Nur-Sultan. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị diễn đàn lần này.

Vào tháng 9 năm nay, đại diện Việt Nam sẽ tham gia Hội nghị các nhà lãnh đạo thế giới và tôn giáo truyền thống tổ chức tại thủ đô của Kazakhstan. Đây là lần thứ hai Việt Nam tham dự Hội nghị này. Theo kế hoạch, tại Hội nghị, các nhà hoạt động tôn giáo sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển xã hội của nhân loại trong thời kỳ hậu COVID-19. Hội nghị cũng là nơi để các bên chia sẻ về kinh nghiệm hợp tác tôn giáo cũng như nhấn mạnh sự cởi mở, hiểu biết lẫn nhau và nỗ lực chung giữa các tôn giáo trong việc duy trì hòa bình, ổn định chung của thế giới.

Tôi nhận thấy, Việt Nam luôn ủng hộ các nỗ lực quốc tế của Kazakhstan và là bên tham gia đầy đủ các dự án quốc tế này. Ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong quan hệ song phương Kazakhstan - Việt Nam.

PV: Theo Đại sứ, Chính phủ Việt Nam và Kazakhstan cần triển khai những biện pháp gì để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước trong tương lai?

Đại sứ Yerlan Baizhanov: Tôi cho rằng, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu đã mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại song phương giữa hai nước. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Tiềm năng phát triển thương mại giữa hai nước còn nhiều dư địa, do đó hai bên cần tranh thủ ưu đãi thuế quan mà Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu mang lại cho mỗi bên. Ngoài ra, chính phủ hai nước cần đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư, phát triển du lịch.

Ngoài cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, hai nước cần thiết lập thêm các cơ chế hợp tác mới như: quỹ đầu tư chung, ngân hàng xuất- nhập khẩu, ngôi nhà kinh doanh… Bên cạnh đó, Chính phủ hai nước cần hỗ trợ các cơ quan chức năng nối lại các chuyến bay thẳng và áp dụng chế độ miễn thị thực cho công dân hai nước, thúc đẩy kích cầu du lịch giữa hai bên.

PV: Kazakhstan là quốc gia đầu tiên trên thế giới từ bỏ vũ khí hạt nhân, mở đầu nền ngoại giao hòa bình đa phương. Xin ông chia sẻ về những đóng góp của Kazakhstan vào việc không phổ biến vũ khí hạt nhân? Theo ông, Việt Nam và Kazakhstan có thể tăng cường hợp tác trên lĩnh vực này như thế nào?

Đại sứ Yerlan Baizhanov: Kazakhstan không chỉ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của nước mình mà còn là quốc gia duy nhất đóng cửa bãi thử hạt nhân lớn nhất thế giới. Theo sáng kiến của Chính phủ Kazakhstan, Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 64 đã nhất trí lấy ngày 29/8 - ngày chính thức đóng cửa bãi thử hạt nhân Semipalatinsk là Ngày Quốc tế hành động chống thử nghiệm hạt nhân.

Năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, theo sáng kiến của Kazakhstan đã thông qua nghị quyết của LHQ về Tuyên bố chung xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ của đa số các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đây là bước đi quan trọng hướng tới việc thông qua công cụ quốc tế ràng buộc pháp lý về cấm vũ khí hạt nhân. Mục tiêu của Kazakhstan là tới năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Liên hợp quốc sẽ loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân ra khỏi hành tinh.

Trong suốt 9 năm qua Việt Nam đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết từ bỏ vũ khí hạt nhân. Quan điểm nhất quán này của Việt Nam cho thấy rằng Việt Nam là một phần của phong trào toàn cầu vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Kazakhstan đánh giá cao quan điểm của Việt Nam và sẵn sàng tiếp tục sát cánh với Việt Nam trong vấn đề này.

PV: Được biết, mới đây Quốc hội Kazkhstan đã tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp. Xin ông cho biết thêm về việc này?

Đại sứ Yerlan Baizhanov: Vào tháng 1/2022, Kazakhstan đã bị ảnh hưởng bởi hàng loạt các vụ biểu tình xảy ra trên khắp đất nước. Cuộc khủng hoảng này đã gây ra nhiều tác động đến tình hình chính trị, kinh tế và xã hội ở Kazakhstan. Nhằm giải quyết những vấn đề này, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã đưa ra một loạt cải cách mang tính bước ngoặt và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Những thay đổi cơ bản sẽ diễn ra trong năm lĩnh vực chính, bao gồm: dân chủ hóa sâu rộng hệ thống chính trị; kiên quyết từ bỏ hình thức chính phủ siêu tổng thống sang nước cộng hòa tổng thống với quốc hội mạnh; cải thiện hệ thống kiểm tra và cân bằng các nhánh quyền lực bằng cách hạn chế quyền lực của Tổng thống, định dạng lại mô hình hoạt động của cả nghị viện và hạ viện, thành lập Tòa án Hiến pháp; cải cách hệ thống bầu cử, chuyển đổi sang mô hình bầu cử đa số theo tỷ lệ hỗn hợp và tự do hóa quy trình đăng ký của các đảng phái; tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện chính quyền địa phương.

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cho rằng, đây sẽ là một quá trình khó khăn và lâu dài. Việc xây dựng "Kazakhstan mới" sẽ đòi hỏi những bước đi nghiêm túc hơn. Cuộc trưng cầu dân ý đã giải quyết vấn đề lựa chọn chiến lược, và bầu cử là do người dân Kazakhstan thực hiện với mục đích củng cố cơ chế dân chủ của nhà nước./.

PV: Xin chân thành cảm ơn Đại sứ!

Hoàng Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực