Thương vụ đừng “chờ” doanh nghiệp đến nhờ giúp

Thứ tư, 07/02/2018 18:15
(ĐCSVN) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại Phiên toàn thể Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018 diễn ra ngày 7/2 tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: BCT)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận thời gian qua, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; làm tốt công tác thị trường, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đã đưa được các mặt hàng nông sản, hoa quả đặc trưng của Việt Nam tiếp cận các nước; từng bước đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phối quốc tế; cũng như bảo vệ và nâng cao thương hiệu hàng Việt Nam trên trường quốc tế... Những thành tích mà các Thương vụ đạt được đã góp phần tạo nên những thành tích đáng ghi nhận của ngành Công Thương trong thời gian qua.

Năm 2017 đánh giá quốc tế về Việt Nam cũng rất tích cực: xếp hạng quốc tế về Môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bâc từ thứ 60 lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ. Như vậy, các chỉ số của Việt Nam hiện rất tốt, có lợi cho các nhà đầu tư. Theo Thủ tướng, chúng ta có niềm tin tốt hơn vào điều hành kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Xuất khẩu, du lịch tăng, đầu tư trực tiếp giảm nhưng đầu tư gián tiếp tăng mạnh. Điều đáng mừng hơn cả là không khí phấn khởi trong toàn xã hội, trong đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề quan trọng để phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.

Theo Thủ tướng, hai năm 2018 - 2019 là những năm bản lề, quyết định cơ bản sự thành công trong kế hoạch hành động 5 năm của Chính phủ trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội thế giới có những chuyển biến nhanh, khó lường, kinh tế số, kinh tế công nghệ đã vươn lên mạnh mẽ, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với nhịp độ nhanh, đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi Thương vụ phải chủ động, sáng tạo và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do đó, Bộ Công Thương cần có hình thức khen thưởng, động viên đối với những tham tán có những đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, đặc biệt thị trường có sự tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm những tham tán làm việc tại các thị trường không hiệu quả, ít tìm hiểu thị trường, chưa thông thạo công việc, ngại khó, vì những lợi ích cá nhân mà bỏ quên nhiệm vụ...

Thủ tướng dẫn chứng một vài đại diện thương mại của nước bạn tại Việt Nam (Nhật Bản, Mỹ...) đã có sự hiểu biết, chịu khó tìm hiểu các thị trường, đến từng Bộ, ngành, hiểu từng doanh nghiệp. Thủ tướng thẳng thắn đặt câu hỏi: "Tham tán của chúng ta có làm được như vậy không? Có hời hợt không?". "Tôi nói điều này để các đồng chí suy nghĩ để nhìn lại chính mình" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và các Tham tán Thương mại phải thực hiện tốt phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” bằng các việc làm cụ thể: quyết tâm hành động mạnh mẽ, không thụ động ngồi chờ doanh nghiệp mà phải chủ động làm việc với các đối tác sở tại để có thông tin, can thiệp, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp; nhạy bén, kịp thời cung cấp thông tin, khuyến nghị chính sách về thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp, địa phương, thúc đẩy hàng Việt Nam thâm nhập bền vững vào thị trường nước sở tại; kết nối chặt chẽ với các Bộ, ngành của nước sở tại để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Thủ tướng nêu rõ, nói đến thương vụ là nói đến thị trường, tuy nhiên trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang xóa bỏ các khoảng cách, nhiều hướng kinh doanh mới xuất hiện, thị trường cần phải hiểu theo nghĩa rộng là nơi mang lại nguồn lực cho đất nước như: dịch vụ, vốn, nhân lực, công nghệ, thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Do đó, Thủ tướng yêu cầu hệ thống thương vụ cần tập trung đề xuất giải pháp tận dụng các ưu đãi FTA để đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường sở tại cũng như vận động các doanh nghiệp nước sở tại hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam khai thác các cơ hội và cùng phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện FTA. Tham tán thương mại cần chủ động làm việc với các Bộ, cơ quan quản lý thương mại của nước sở tại để hai bên thực hiện cảnh báo sớm cho nhau những tranh chấp thương mại tiềm ẩn để có biện pháp xử lý, hạn chế thấp nhất các tranh chấp thương mại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng (Ảnh: BCT)

Tiếp thu sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự cảm ơn chân thành trước sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với ngành Công Thương cũng như các tham tán thương mại. Thay mặt Bộ Công Thương, Bộ trưởng hứa sẽ nghiêm túc tiếp thu những chỉ đạo của Thủ tướng và hiện thực, cụ thể hóa trong chương trình hành động của Bộ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, truyền đạt đến các tham tán thương mại xuyên suốt trong chuỗi hoạt động của sự kiện Hội nghị Tham tán Thương mại kéo dài hết tháng 02/2018 và trong toàn bộ kế hoạch thực hiện của các tham tán thời gian tiếp theo./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực