Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên chất vấn việc thực hiện “lời hứa” của các Tư lệnh ngành

Thứ năm, 15/08/2019 10:35
(ĐCSVN) - Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thực hiện việc giám sát lại đối với các nội dung đã được UBTVQH giám sát, chất vấn.

Tiếp tục Phiên họp thứ 36 của UBTVQH, UBTVQH sẽ dành trọn ngày 15/8 tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về các nội dung liên quan đến thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 15/8, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, hôm nay, UBTVQH sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 4 kết luận về chất vấn của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Đây là lần đầu tiên UBTVQH thực hiện việc giám sát lại đối với các nội dung đã được UBTVQH giám sát, chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch QH cho biết, những nội dung trong nghị quyết, kết luận của UBTVQH đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai nghiêm túc, mang lại những kết quả đáng kể, tạo sự chuyển biến trong nhiều lĩnh vực, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. “Điều đó thể hiện sự nỗ lực, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Đảng, Nhà nước, trước cử tri và Nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ của mình”, Chủ tịch QH nói.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và thực tiễn, Chủ tịch QH cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục triển khai, nhiều nội dung cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì mới có thể tạo chuyển biến tích cực. Những tồn tại, hạn chế, các đề xuất, kiến nghị đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra sẽ là cơ sở để UBTVQH và các ĐBQH tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn để làm rõ thêm các vấn đề.

Để phiên chất vấn đạt kết quả tốt, do thời lượng có hạn, chỉ diễn ra trong một ngày, Chủ tịch QH đề nghị các ĐBQH đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ cần trả lời thẳng thắn, đúng vấn đề được chất vấn, không nêu lại nội dung đã được nêu rõ trong báo cáo, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, nêu rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.

Kiên quyết không đầu tư các dự án BOT độc đạo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Về lĩnh vực giao thông vận tải, thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các địa phương rà soát mức thu phí để điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, bảo đảm cuối năm 2019 tất cả các trạm thu phí sẽ thu phí không dừng theo Nghị quyết của Quốc hội.

Kiên quyết không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân.

Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các công trình giao thông trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cao tốc: Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, đa dạng hóa hình thức huy động vốn, thúc đẩy tiến độ các đề án, dự án; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã và đang triển khai. Thực hiện nghiêm các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, hầu hết các dự án đều có giá trị quyết toán thấp hơn giá trị tổng mức đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay, hệ thống quy định pháp luật và thực tế triển khai còn một số tồn tại, hạn chế. Thiếu thông tin đầy đủ về định mức và giá xây dựng theo cơ chế thị trường; nhiều dự án đã hoàn thành nhưng thu phí không đủ, phá vỡ mô hình tài chính của dự án gây khó khăn cho chủ đầu tư và các bên tài trợ vốn. Một số vướng mắc chưa được sửa đổi kịp thời; đến nay có rất ít dự án BOT mới được triển khai…

“Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành sớm khắc phục, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã và đang triển khai; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư”, Bộ trưởng Dũng nói.

Chưa xử lý dứt điểm, triệt để những bất cập trong đặt trạm thu phí

Trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc chỉ rõ: Trong Báo cáo chưa làm rõ tình hình thực hiện các kết luận của các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiếm toán nhà nước. Ngoài ra, Báo cáo của Chính phủ tập trung vào các dự án BOT giao thông do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng chưa làm rõ đối với tình hình thực hiện của các dự án do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu: Đến nay vẫn còn một số trạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm, triệt để những bất cập (Trạm Bắc Thăng Long – Nội bài, Trạm Bỉm Sơn – Thanh Hóa, Trạm Cai Lậy, Trạm Thái Nguyên – Chợ Mới). Ngoài ra, hiện tại đã phát sinh thêm một số trạm thu phí tồn tại bất cập nhưng chưa được đề cập tại Báo cáo số 297/BC-CP cụ thể: Trạm T2 Quốc Lộ 91 thuộc dự án BOT Quốc Lộ 91 Cần Thơ – An Giang và Trạm Hòa Lạc – Hòa Bình thuộc Dự án đầu tư xây dựng dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT.

Đến nay vẫn còn tồn tại rủi ro mất an toàn, an ninh, trật tự tại một số địa phương dự án đi qua (vẫn còn tình trạng phản đối của người dân tại một số trạm thu phí). Ngoài ra, chất lượng của một số công trình giao thông BOT còn thấp, có công trình xuống cấp nhanh nhưng chưa được bảo trì, sửa chữa kịp thời; cũng như việc thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí vẫn còn tồn tại chưa được công khai, minh bạch và xử lý triệt để…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực