Tìm giải pháp để quản lý hoạt động xử lý nước thải, bảo vệ môi trường

Thứ ba, 06/09/2022 20:02
(ĐCSVN) - Mục đích của đợt giám sát nhằm làm rõ kết quả, đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền các biện pháp khắc phục tồn tại, khó khăn nhằm thực hiện đúng, hiệu quả các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động thoát nước và xử lý nước thải…
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên phát biểu kết luận giám sát. 

Ngày 6/9, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.

Mục đích của đợt giám sát nhằm đánh giá thực trạng tình hình tổ chức thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố; làm rõ kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, qua đó, đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền các biện pháp khắc phục tồn tại, khó khăn nhằm thực hiện đúng, hiệu quả các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động thoát nước và xử lý nước thải… 

Theo báo cáo, nhiều năm qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành tăng cường quản lý trật tự giao thông, đô thị, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường dọc tuyến sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu; tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước, cải tạo khơi thông dòng chảy: nạo vét bùn cống rãnh, mương sông bằng thủ công và cơ giới, quản lý vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước theo đúng quy trình. 

Trong công tác thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và tăng cường khả năng tiêu thoát nước cho thành phố, hiện các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị: Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Bắc Thăng Long - Vân Trì đang vận hành hiệu quả, đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Thành phố đang tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Kiến Hưng, Sơn Tây.

Về xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề, hiện trên địa bàn thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 41 cụm công nghiệp đã và đang được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; 93 làng nghề đã được đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước thải đồng bộ.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp có 27 dự án theo quy hoạch thoát nước, trong đó có 8 dự án đã hoàn thành, 8 dự án chuyển tiếp thi công, 11 dự án giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trương đầu tư…

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề nghị các sở, ngành làm rõ về công tác quản lý trong cấp phép về môi trường, đặc biệt là cấp phép các dự án xử lý nước thải và quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra sau cấp phép; cung cấp thông tin hiện trạng từng dự án đang chuẩn bị đầu tư, đã đầu tư, đã hoàn thành đưa vào vận hành; thực trạng công tác quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố, đặc biệt là xử lý nước thải sinh hoạt và tại các cụm công nghiệp, làng nghề; đơn giá, công tác đầu tư các dự án…

Sau khi thành viên đoàn và lãnh đạo các sở, ngành trao đổi, thông tin về các nội dung, kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, nước thải làng nghề luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm, chỉ đạo kịp thời, nhằm góp phần bảo vệ môi trường của Thủ đô. Trong nhiệm kỳ này, Thành ủy ban hành Chương trình số 03-CTr/TU về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025"; Chương trình số 05 về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025". HĐND TP cũng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách và đã đưa chỉ tiêu tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc quy chuẩn quốc gia vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm…

Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên đánh giá, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương với chức năng nhiệm vụ quy định, đã tích cực tham mưu UBND TP ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có khu, cụm công nghiệp, làng nghề xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhằm thực hiện các mục tiêu tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước, xử lý nước thải; khắc phục ô nhiễm môi trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 9/9 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung và đang vận hành hoạt động hiệu quả (đạt 100%). 41/41 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định phù hợp quy hoạch đã được đầu tư xây dựng hoàn thành hoặc đang đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, đối với các cụm công nghiệp xây dựng mới đều có quy hoạch trạm xử lý nước thải tập trung. 4/313 làng nghề truyền thống có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 93/313 có hệ thống thoát nước tập trung, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường khu, cụm công nghiệp, làng nghề.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên đề nghị, các sở, ngành cần đánh giá kỹ thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, các sở, ngành cần rà soát kỹ 29 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, phân tích để xây dựng lộ trình. Những cụm công nghiệp đang được đầu tư hệ thống xử lý nước thải từ ngân sách cần đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời các sở, ngành rà soát lại toàn bộ quy hoạch, đánh giá kỹ về chế tài, cần thiết phải tham mưu tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này, nhất là liên quan đến cơ chế chính sách để đề xuất với thành phố để quản lý công tác này ngày tốt hơn./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực