Tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào tiếp tục xanh tươi và nở hoa, kết trái

Chủ nhật, 11/04/2010 16:56

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sẽ thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ ngày 13 - 15/4/2010. Đây là chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào lần thứ 2 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, kể từ 10/2006 và diễn ra vào thời điểm đặc biệt, đúng vào dịp nhân dân đất nước hoa Chăm pa đón Tết cổ truyền dân tộc và là sự kiện hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế cũng như trong quan hệ Việt Nam-Lào.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh một lần nữa khẳng định và góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, gắn bó, tin cậy giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Đây là minh chứng cho sự ủng hộ của Việt Nam đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Lào. Chuyến thăm cũng thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với Lào trong việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội IX của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Trong dịp này, lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ tiếp tục trao đổi về một số biện pháp thúc đẩy hiện thực các Thỏa thuận cấp cao giữa hai bên, tăng cường phối hợp giữa Việt Nam với Lào và Campuchia trong tình hình mới, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, nhất là trong năm Chủ tịch ASEAN, AIP.

Nằm ở trung tâm Tiểu vùng Mê-kông (GMS), thuộc khu vực Đông Nam Á, Lào có đường biên giới giáp với 5 nước, trong đó đường biên giới dài nhất là với Việt Nam (hơn 2.000 km) và đi qua 10 trong số 17 tỉnh của Lào. Đất nước triệu voi có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú, trong đó có một số loại khoáng sản quí đã và đang được khai thác như vàng, đồng đỏ, muối kali, đá granit, bôxit... Rừng cũng là một trong những thế mạnh của Lào.

Những năm qua, tình hình chính trị - xã hội của Lào cơ bản ổn định: an ninh, quốc phòng được giữ vững; kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng (năm 2009, GDP tăng 7,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 920 USD, đầu tư nước ngoài đạt 4,3 tỷ USD); quan hệ đối ngoại được mở rộng (nâng cấp quan hệ với Trung Quốc thành “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, với Nhật Bản thành "đối tác hợp tác toàn diện, hướng tới hữu nghị và phồn vinh trong khu vực”…). Mục tiêu phấn đấu của Lào đến năm 2020, sẽ ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, GDP bình quân tăng từ 7,5% - 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 1.700 - 1.800 USD.

Lào đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 130 nước, đặt Đại sứ quán ở 25 nước, 5 Tổng Lãnh sự quán, hai cơ quan đại diện ở New York và Giơ-ne-vơ và có quan hệ với gần 100 chính đảng ở các nước; là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế (Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, ACMEC…, đang đề nghị xin gia nhập WTO, APEC). Trong thời gian qua, thế giới biết đến đất nước Lào nhiều hơn thông qua việc Lào đã đăng cai tổ chức thành công nhiều Hội nghị quốc tế lớn (ASEAN 10, SOM ASEAN, SOM ARF, AMM, AIPA 26, ACMEC, SEA games 25…).

Cùng với những thành tựu quan trọng đạt được ở mỗi nước, sự gắn bó, tin cậy giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - lào tiếp tục được tăng cường trong thời gian qua. Sự hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp của hai nước tiếp tục phát triển sâu rộng.

Hợp tác giáo dục, đào tạo là một trong những điểm nhấn trong hợp tác chung của tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào anh em. Hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được ưu tiên và mở rộng với nhiều hình thức được thực hiện từ Trung ương tới các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Có thể nói, Việt Nam là một trong những "cái nôi" đào tạo nguồn nhân lực của Lào. Đã có nhiều thế hệ học sinh Lào học tập tại Việt Nam và trở thành những nhịp cầu nối, làm sâu đậm hơn tình cảm hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước. Mỗi năm Việt Nam tiếp nhận khoảng 650 học sinh Lào và hiện có tới gần 5.000 học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam.

Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật cũng cơ bản đạt được mục tiêu chiến lược mà hai Chính phủ đã thỏa thuận. Tính đến nay, Việt Nam có 207 Dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn trên 2 tỉ USD. Ngược lại, Lào có 08 Dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 48 triệu USD. Kim ngạch thương mại hai nước tăng hàng năm khoảng 30-40%, trong đó năm 2009 kim ngạch thương mại hai chiều khoảng 450 triệu USD, hai bên phấn đấu kim ngạch thương mại sẽ đạt mục tiêu 1 tỉ USD vào năm 2010 và 2 tỉ USD vào năm 2015.

Việt Nam và Lào luôn tích cực trao đổi thông tin và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, hoạt động tại các tổ chức và các diễn đàn đa phương ASEAN, ASEM+3, AIPA, ACMECS, Liên hợp quốc, Tổ chức Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết; phối hợp triển khai kế hoạch tổng thể về Tam giác phát triển (CLV), hợp tác trong khuôn khổ ACMEC, hợp tác thực hiện dự án hành lang Đông-Tây, hợp tác Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng v.v…

Đến với đất nước hoa Chăm pa vào đúng dịp Tết cổ truyền dân tộc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham gia vào những nghi thức truyền thống của Tết cổ truyền dân tộc Lào như: lễ té nước cầu may, buộc chỉ cổ tay... Trong không khí ấm áp của một năm mới đang về, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào anh em sẽ tiếp tục xanh tươi và nở hoa, kết trái, báo hiệu một tương lai đầy hứa hẹn.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực