TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA

Thứ ba, 30/06/2020 06:41
(ĐCSVN) – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA đang triển khai và đánh giá lại tính hiệu quả của các dự án ODA đã hoàn thành, đồng thời cân nhắc kỹ đối với các dự án ở giai đoạn 2021-2026.
leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thị sát tuyến đi ngầm metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: CAO THĂNG

Chiều 29/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh về việc sử dụng vốn ODA trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, những tháng vừa qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19, tình hình kinh tế cả nước hết sức khó khăn. Tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 rất thấp. Do đó, một trong những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020 là giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, việc giải quyết tồn đọng trong giải ngân vốn ODA của TP cũng xem như tháo gỡ cho cả nước. Bởi TP Hồ Chí Minh có nhiều dự án ODA nhất cả nước, 9 dự án lớn, chiếm khoảng 70% trong tống số vốn ODA giai đoạn 2016-2020.

"Riêng năm 2020, các dự án ở TP Hồ Chí Minh chiếm 1/4 kế hoạch vốn ODA được giao. TP tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong việc thúc đẩy nguồn vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm TP giải ngân còn thấp, chỉ đạt 1/5 kế hoạch giao vốn" Phó thủ tướng chỉ rõ.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, TP đang triển khai thực hiện 9 dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nước ngoài. Các dự án này tập trung vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, chống ngập và cải thiện môi trường.

Thẳng thắn thừa nhận hiện việc giải ngân vốn ODA của TP còn chậm, đồng chí Võ Văn Hoan cho rằng, một trong những nguyên nhân là do một số dự án đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án. Trong đó có tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến các hạng mục công trình của Metro 1, chuyên gia và hàng hóa chưa về kịp.

Trước thực tế hiện nay, TP đề xuất một số vấn đề: Thứ nhất, ở nhóm các dự án sử dụng vốn trung hạn, đối với tuyến đường sắt Metro số 1, TP kiến nghị các Bộ, ngành sớm có ý kiến về sử dụng đồng Yên (Nhật Bản) hay VNĐ trong thực hiện dự án.

Ngoài ra, đồng chí Võ Văn Hoan kiến nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn thủ tục hoàn ứng 4.149 tỉ đồng cho ngân sách TP mà chủ đầu tư metro số 1 từng tạm ứng. Đồng thời cho biết việc bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án metro số 2 là 3.400 tỉ đồng, tuy nhiên, khi tổ chức thẩm định giá lần cuối và tổ chức bồi thường cho người dân lại tăng thêm 500 tỉ. TP đang lúng túng về hướng xử lý vấn đề này.

Ở nhóm các dự án liên quan đến sử dụng vốn dư, TP kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản xem xét cho TP sử dụng vốn dư khoảng 76, 8 triệu USD của dự án vệ sinh môi trường Thành phố giai đoạn 2.

Nhóm vấn đề tiếp theo liên quan đến hiệp định vay, TP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sớm có văn bản xem xét điều chỉnh lịch trả nợ của hai khoản vay Ngân hàng Thế giới đến ngày 30/9/2027, thẩm định hồ sơ cho vay lại đối với dự án để làm cơ sở ký các hiệp định vay bổ sung vốn cho dự án theo hồ sơ mà Thành phố đã đề nghị.

Nhóm vấn đề nữa là đề xuất cho dự án mới giai đoạn 2021 – 2025, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện nay, TP đã vận động được 4 dự án mới, trong đó có 2 dự án gửi các bộ trình Thủ tướng để xem xét phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của các bộ.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong mong các bộ, ngành giúp TP sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Hiện giao thông TP đang đứng trước thách thức, áp lực dân số tăng nhanh nhưng hạ tầng không đồng bộ. Một trong những yếu tố liên quan đến tiến độ của các dự án sử dụng ODA như tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên là chuyên gia nước ngoài.

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, kiến nghị giải quyết cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam có thể giải quyết được ngay không chỉ riêng cho metro số 1, mà các chuyên gia của lĩnh vực khác.

Về đồng tiền trong vốn vay thực hiện dự án của Nhật Bản, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thông tin về cơ bản Chính phủ đã thống nhất sử dụng tiền yen (Nhật Bản) cho Hiệp định vay và trả bằng tiền yen Nhật, Bộ Tài chính cần thống nhất lại hướng dẫn cho UBND TP Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh các dự án ODA đang triển khai và đánh giá lại tính hiệu quả của các dự án ODA đã hoàn thành, đồng thời cân nhắc kỹ đối với các dự án ở giai đoạn 2021-2026.

* Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng Đoàn công tác đã đi khảo sát công trường dự án tuyến metro số 1 TP Hồ Chí Minh (Bến Thành-Suối Tiên). Đây là một trong những dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn TP.

Tại buổi khảo sát, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mong muốn các đơn vị tiếp tục nỗ lực thi công để công trình sớm hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác như kế hoạch.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trao tặng những phần quà cho tập thể Ban quản lý đường sắt đô thị TP cùng đại diện nhà thầu thi công tuyến metro số 1.

Theo quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray.

Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD.

Về dự án tuyến metro số 1, dự án có 4 gói thầu chính, đến nay đã đạt được 73,5% tổng khối lượng thi công. Các nhà thầu, đội ngũ kỹ sư, công nhân đang cố gắng phấn đấu hoàn thành 85% tổng khối lượng công trình trong năm 2020.

Với dự án Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương), TP đang tập trung chuẩn bị các thủ tục sẽ khởi công năm 2021.

 

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực