TP Hồ Chí Minh nhanh chóng xây dựng chương trình trung hạn phục hồi kinh tế

Thứ ba, 12/10/2021 20:00
(ĐCSVN) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục quan tâm hỗ trợ sức khỏe thể chất, tinh thần cho người dân, nhất là nhóm người dễ bị tổn thương; huy động các nguồn lực giải quyết các gói an sinh xã hội; đồng thời nhanh chóng xây dựng chương trình trung hạn phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh từ nay đến cuối năm 2025 nhằm giúp TP lấy lại đà tăng trưởng, tạo sức bật cho các năm sau.
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi giám sát (Ảnh: TTBCTPHCM)

Chiều 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh có buổi giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại UBND TP Hồ Chí Minh.

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh chủ trì buổi làm việc.

TP Hồ Chí Minh chuẩn bị nhiều chiến lược trong giai đoạn tới

Phát biểu tại buổi giám sát, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết: TP chuẩn bị nhiều chiến lược trong giai đoạn tới. Trụ cột là chiến lược về y tế; trong chiến lược về xã hội, có quan tâm đến dân cư, nhà ở cho người lao động.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn Chủ tịch nước, các đại biểu Quốc hội tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy cơ chế chính sách giúp thành phố sớm xây dựng nhà ở xã hội cho người dân.

Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định, bất cứ một biện pháp nào mà TP thực hiện cũng đều cân nhắc. Đồng chí cũng cho biết, thành phố sẵn sàng chia sẻ cùng các tỉnh, cứ tỉnh nào khó khăn là TP Hồ Chí Minh hỗ trợ, đưa máy xét nghiệm, đưa lực lượng, đưa an sinh, thậm chí hỗ trợ test, giúp các tỉnh trong phòng chống dịch.

Trước đó, báo cáo với lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP về tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, công tác phòng, chống dịch tại TP đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho việc kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới.

 Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi giám sát (Ảnh: TTBCTPHCM)

Hiện nay, TP đang thực hiện Chỉ thị 18/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Chỉ thị đã góp phần tạo sự phấn khởi cho người dân, các doanh nghiệp; các chốt kiểm soát nội thành đã được tháo gỡ, từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, số doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở cửa trở lại có xu hướng tăng dần, tình hình kinh tế dần được cải thiện, từng bước phục hồi, phát triền kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Đối với phương hướng, giải pháp các tháng cuối năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức thông tin, về công tác phòng, chống dịch COVID-19, TP sẽ đa dạng hóa nguồn vắc xin, huy động mọi nguồn lực đáp ứng tỷ lệ tiêm chủng theo tiêu chí của Bộ Y tế, hướng đến bao phủ vắc xin toàn dân sớm nhất.

TP Hồ Chí Minh nêu 3 kiến nghị của TP đối với Trung ương. Thứ nhất, nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp trong giai đoạn sắp tới, TP kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở; mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các Trạm Y tế; cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thứ hai, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách TP giai đoạn 2022- 2025 để tạo đồng lực phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam. Thứ ba, TP kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

 Các đại biểu Quốc hội đề nghị TP Hồ Chí Minh cần chuẩn bị phương án cụ thể, phối hợp đồng bộ với các tỉnh để đón bà con trở lại thành phố, tiêm đủ vaccine để bà con yên tâm tham gia lao động, sản xuất. (Ảnh: TTBCTPHCM)

Xây dựng chương trình trung hạn lấy lại đà tăng trưởng cho TP

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP Hồ Chí Minh về những mất mát, đau thương mà Thành phố đã phải gánh chịu trong đại dịch. Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, TP đã vượt qua thử thách khó khăn nhất trong tổ chức bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Chủ tịch nước cũng biểu dương và cảm ơn các lực lượng tuyến đầu, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, cộng đồng các tôn giáo, đồng bào ta ở trong và ngoài nước đã đồng tâm hiệp lực, đoàn kết, chung sức, chung lòng cùng cả nước và người dân TP Hồ Chí Minh trong phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP Hồ Chí Minh nhanh chóng xây dựng chương trình trung hạn phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh từ nay đến cuối năm 2025 nhằm giúp TP lấy lại đà tăng trưởng, tạo sức bật cho các năm sau.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là vấn đề cấp bách, căn cơ, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu các giải pháp, có đề án khoa học thực tế, hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế ngay từ những tháng cuối năm 2021. TP tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu, đó là tiếp tục đảm bảo huyết mạch kinh tế thông suốt, lưu thông hàng hóa, nhân lực, dịch vụ tài chính tín dụng, thanh khoản cho doanh nghiệp, nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa. Khôi phục phát triển, đối thoại, nắm bắt, giải quyết khó khăn của từng doanh nghiệp, từng dự án; triển khai nhanh và hiệu quả các gói hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế; thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh đầu tư công…

Cùng với đó, cần giải quyết tốt vấn đề lao động việc làm, tạo điều kiện thu hút nguồn lao động bằng các biện pháp hỗ trợ như tiêm vaccine, điều kiện nhà ở, chính sách an sinh xã hội; phối hợp cùng các địa phương lân cận để đưa người lao động trở lại, triển khai đào tạo, đào tạo lại, kết nối người lao động với doanh nghiệp...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, TP Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm hỗ trợ sức khỏe thể chất, tinh thần cho người dân, nhất là nhóm người dễ bị tổn thương; huy động các nguồn lực giải quyết các gói an sinh xã hội.

Chủ tịch nước cũng đề nghị TP nâng cao năng lực, hiệu lực quản trị chính quyền các cấp thông qua mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Triển khai mô hình chính quyền đô thị ở những nội dung phân cấp, phân quyền, sắp xếp bộ máy và chính sách đãi ngộ cán bộ cụ thể…/.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực