Trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó với dịch bệnh

Thứ hai, 23/08/2021 15:57
(ĐCSVN) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Nghị viện các nước trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, giảm thiểu các thiệt hại và mau chóng phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19, như Quốc hội Việt Nam, tại Kỳ họp thứ nhất, khóa XV trong tháng 7 vừa qua đã trao cho Chính phủ những đặc quyền, đặc thù, đặc cách để ứng phó hiệu quả với đại dịch.

Trong khuôn khổ chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA-42, chiều 23/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu quan trọng trong Phiên họp toàn thể lần thứ nhất. 

Càng qua sóng gió, bản sắc Cộng đồng ASEAN càng được củng cố và bồi đắp

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trong Phiên họp toàn thể lần thứ nhất. (Ảnh: Bùi Hùng)

Trong phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hơn một năm qua, thế giới và khu vực ASEAN tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn của đại dịch COVID-19, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, làm trầm trọng hơn bất bình đẳng xã hội, trong đó có bất bình đẳng về kỹ thuật số và an sinh, phúc lợi xã hội của người dân.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cùng với chuyển động khó lường của môi trường địa chính trị khu vực và quốc tế, Cộng đồng ASEAN tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, năng lực tự cường, bản lĩnh vững vàng và vai trò trung tâm của mình, đã hành động kịp thời, chung tay ứng phó đại dịch ngay từ khi mới bùng phát. 

“Càng qua sóng gió, bản sắc của Cộng đồng, tình cảm tương thân, tương ái giữa các quốc gia thành viên và người dân càng được củng cố và bồi đắp” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Với cách tiếp cận toàn diện, song song với kiểm soát đại dịch, ASEAN đang đẩy mạnh các biện pháp theo Khung phục hồi tổng thể ASEAN, trong đó, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, đổi mới mô hình phát triển được xem là đòn bẩy để sớm khôi phục đà tăng trưởng bền vững. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, đại dịch COVID-19 cũng là chất xúc tác để ASEAN tăng cường số hóa nền kinh tế, thích ứng và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thu hẹp khoảng cách về số và đảm bảo bình đẳng số trong khu vực. Đồng thời hoan nghênh Hội nghị Bộ trưởng số của ASEAN nhóm họp tháng 01/2021 đã thông qua Kế hoạch tổng thể về Số của ASEAN đến năm 2025; ủng hộ nỗ lực thông qua và sớm đưa vào triển khai Chiến lược về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của ASEAN nhằm tạo lập một Cộng đồng ASEAN đổi mới, sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới.

Chia sẻ kinh nghiệm để kiểm soát hiệu quả đại dịch

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ một số ý kiến để phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của AIPA và các Nghị viện thành viên đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, đảm bảo tăng trưởng ổn định, phục hồi bền vững của ASEAN, tiếp tục là hạt nhân đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực.

Trước hết, theo Chủ tịch Quốc hội, các Nghị viện thành viên AIPA cần tích cực hỗ trợ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện thực thi chính sách chuyển đổi số, tăng cường tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số của người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phổ cập số đối với các đối tượng yếu thế, cung cấp dịch vụ số công bằng, bình đẳng, phù hợp với mức thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tiếp đó, cần tích cực thúc đẩy và ủng hộ Chính phủ các nước ASEAN triển khai các chương trình, kế hoạch và chiến lược về số trong ASEAN, bảo đảm hệ sinh thái kỹ thuật số bao trùm, rút ngắn khoảng cách số. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối số, thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia, các vùng, miền nhằm đảm bảo phát triển đồng đều, bền vững trong ASEAN, Chủ tịch Quốc hội đề nghị AIPA tích cực hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN đẩy mạnh triển khai các nội dung liên quan thúc đẩy kết nối số, phổ cập số ở các khu vực kém phát triển, trong đó có các tiểu vùng của ASEAN.

Toàn cảnh hội nghị điểm cầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Bùi Hùng)

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cần khuyến khích các nguồn lực xã hội để phát triển hệ sinh thái số thông qua hình thức hợp tác công-tư, tạo môi trường vườn ươm doanh nghiệp để phát triển doanh nghiệp số, doanh nghiệp khởi nghiệp số. Đặc biệt, cần tạo điều kiện lồng ghép triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN vào các kế hoạch của từng quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số nhằm ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh thời kỳ hậu COVID-19.

Tăng cường các chính sách và khung pháp lý, ủng hộ các sáng kiến trong khuôn khổ các kênh hợp tác của ASEAN cũng như với các đối tác về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, an toàn dữ liệu, tạo lập niềm tin trong không gian số. Hạ tầng số hiện đại cùng với niềm tin số sẽ tạo ra một không gian mới rộng mở cho sự phát triển nhanh và bền vững của các nước ASEAN. 

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp hiện nay của đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi tinh thần đoàn kết, trách nhiệm chung của AIPA trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là việc ứng dụng khoa học, công nghệ để kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19; đề nghị tăng cường hợp tác nội khối và với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển và chia sẻ công bằng vắc-xin, thuốc và trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Nghị viện các nước trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, giảm thiểu các thiệt hại và mau chóng phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19, như Quốc hội Việt Nam, tại Kỳ họp thứ nhất, khóa XV trong tháng 7 vừa qua đã trao cho Chính phủ những đặc quyền, đặc thù, đặc cách để ứng phó hiệu quả với đại dịch.

Nhấn mạnh mọi nỗ lực phục hồi và phát triển của các quốc gia sẽ không thể thiếu điều kiện tiên quyết, đó là môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ các nước ASEAN, sự đồng hành và ủng hộ tích cực của các Nghị viện thành viên AIPA trong duy trì và thúc đẩy các tiến trình đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, giúp ngăn ngừa và giảm thiểu các nguy cơ gây bất ổn, qua đó, góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định bền vững ở khu vực, trong đó có Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước về Luật biển năm 1982, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện DOC và sớm đàm phán để ký kết COC.

Trong phát biểu, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, vượt qua mọi khó khăn của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tổ chức rất thành công Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Quốc hội Việt Nam vừa bắt đầu nhiệm kỳ mới, đang nỗ lực không ngừng tự đổi mới, tự hoàn thiện để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động nhằm góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

“Quốc hội Việt Nam cam kết tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của AIPA, vì sự phát triển của ngoại giao nghị viện và quyền lợi của mọi người dân trong ASEAN” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Trong Phiên toàn thể lần thứ nhất, Trưởng đoàn các nghị viện thành viên AIPA, Tổng Thư ký AIPA, Tổng Thư ký ASEAN, Trưởng Đoàn các Nghị viện quan sát viên và khách mời của nước chủ nhà đã có bài phát biểu./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực