Triển khai kế hoạch giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Thứ năm, 25/03/2010 19:01

Sáng 25/3, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 882/NQ-UBTVQH12 ngày 8/2/2010 về tổ chức hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Kế hoạch giám sát làm cơ sở tiến hành hoạt động giám sát, xây dựng báo cáo trình QH tại kỳ họp thứ 7, thứ 8.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng chủ trì. Tham gia hội nghị có thường trực HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; các bộ, ngành có liên quan.

Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hà Công Long, chương trình, kế hoạch giám sát năm 2010 được xây dựng để xem xét, đánh giá việc giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các kiến nghị của cử tri; tập trung làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm. Trên cơ sở giám sát, UBTVQH kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định của pháp luật; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp, thiếu thống nhất…; đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật về giải quyết kiến nghị của cử tri nói chung.

Dự kiến, nội dung giám sát tập trung vào việc theo dõi, đôn đốc, xem xét, đánh giá việc giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri; xem xét, đánh giá các văn bản trả lời cử tri; việc giải quyết một số kiến nghị cụ thể như: giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri về giá bán lẻ điện theo quy định của Luật Điện lực; giám sát việc giải quyết, kiến nghị cử tri của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện KSND Tối cao. Giám sát việc điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi theo điều hành của Chính phủ với trọng tâm là các vấn đề như: Quy định điều kiện là hội viên Hiệp hội lương thực Việt Nam; việc ban hành và tổ chức thực hiện đăng ký Hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung và không tập trung; việc phân bổ hợp đồng của Chính phủ; việc thực hiện thu mua trực tiếp lúa gạo của nông dân; công tác khuyến nông, đảm bảo chất lượng giống lúa; quy hoạch vùng trồng lúa…

Nội dung giám sát việc sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà cử tri đã có ý kiến tại các kỳ họp QH sẽ tập trung vào: Việc chậm ban hành Thông tư quy định về biên chế y tế học đường đối với các trường chuyên biệt, trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ; văn bản hướng dẫn đối với giáo viên dạy nghề các Trung tâm dạy nghề; sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí thành lập bản mới tại các tỉnh miền núi; chế độ, chính sách đối với già làng; giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ HTX trong thời kỳ kháng chiến; sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội….

Theo chương trình thực hiện kế hoạch giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong tháng 3, Đoàn giám sát của UBTVQH sẽ tổ chức hội nghị trao đổi với các cơ quan của QH; các bộ, ngành có liên quan về cơ chế quản lý, điều hành xuất khẩu gạo; nghe báo cáo của TANDTC, Viện KSNDTC, Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT; tổ chức đoàn công tác làm việc với UBND và cơ quan chuyên môn của tỉnh Vĩnh Phúc để khảo sát việc tổ chức, thực hiện các quy định về giá bản lẻ điện.

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu cơ bản tán thành với chương trình kế hoạch giám sát và cho rằng quan tâm giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ giúp Quốc hội ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn với nhân dân. Các đại biểu đề nghị cần xác định rõ nguồn ý kiến, kiến nghị của cử tri; phân công trách nhiệm, phối hợp công tác; đề ra nội dung giám sát thật sự cụ thể để xây dựng kế hoạch, chương trình sát hợp, tránh tình trạng trùng lặp hoặc lúng túng, bị động. Theo một số đại biểu, nên chọn những vấn đề mà các bộ trưởng, trưởng ngành đã hứa tại kỳ họp Quốc hội kết hợp với những vấn đề nổi lên qua tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu QH để xây dựng chương trình giám sát; phân biệt rõ giữa chất vấn và kiến nghị và đều phải có trách nhiệm giải quyết. Để triển khai có hiệu quả, bên cạnh nguồn đơn thư, kiến nghị của cử tri và nhân dân, cũng cần quan tâm đến thông tin phát hiện của báo chí vì báo chí là tiếng nói đại diện cho dư luận chung. Thực tế là có những vấn đề báo chí đưa rất nhiều nhưng chưa thực sự được quan tâm. Ví dụ về giá sữa, giá thuốc, nhà ở cho người thu nhập thấp…Riêng nội dung giám sát về giá bán lẻ điện, nên nghiên cứu thêm để chọn vấn đề cho trúng. Theo Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, chất vấn là quyền của đại biểu Quốc hội, kiến nghị là quyền của cử tri; cũng không loại trừ trường hợp chất vấn của đại biểu và kiến nghị của cử tri có sự đồng nhất với nhau. Do đó, tránh được sự trùng lặp giữa hai nội dung này là tốt nhất nhưng trong mọi trường hợp, các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm trả lời, giải quyết những kiến nghị của cử tri./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực