Trông người mà ngẫm đến ta

Thứ tư, 02/11/2022 15:07
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Hãy nhìn vào vụ giẫm đạp ở phường Itaewon (Hàn Quốc) làm gần 200 người chết và bị thương, vụ Lễ hội tôn giáo Diwali (Ấn Độ) làm ít nhất hơn 140 người thiệt mạng hay trận đấu bóng đá ở Indonesia làm 130 người không còn cơ hội trở về nhà… mà Việt Nam chúng ta – một đất nước có hơn 8.000 lễ hội phải “trông người mà ngẫm đến ta”.
 Cần nắm được những nguyên tắc căn bản để giữ mạng sống khi rơi vào đám đông nguy hiểm 

Theo số liệu mới nhất của cơ quan thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, tính đến sáng 1/11, ít nhất 156 người thiệt mạng và 130 người khác bị thương do vụ giẫm đạp ở phường Itaewon, thủ đô Seoul. Ngay sau sự kiện đau lòng này, giới chức Hàn Quốc đã lên tiếng xin lỗi người dân. Người đứng đầu Cơ quan cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Yoon Hee Keun cảm thấy có "trách nhiệm nặng nề" về vụ việc và cam kết sẽ xem xét kỹ lưỡng những gì đã xảy ra. Ông cũng thừa nhận đã có những thiếu sót trong phản ứng của cảnh sát trong việc kiểm soát đám đông tại lễ hội Halloween ở Itaewon.

Vụ việc ở Hàn Quốc khiến thế giới chưa hết bàng hoàng, thì ngay sau đó, tối ngày 30/10, tại Ấn độ, cầu treo dành cho người đi bộ tại bang Gujarat sập khiến cho 132 người thiệt mạng khi Lễ hội tôn giáo Diwali đang diễn ra với sự có mặt của khoảng gần 500 người. Hiện cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 9 người có liên quan. Một cuộc điều tra đang được tiến hành để tìm ra nguyên nhân của thảm họa nói trên.

Trước đó chưa lâu, tại Indonesia, sau khi trận thi đấu giữa hai đội Arema FC và Persebaya Surabaya kết thúc tối 1/10 với tỷ số 2-3, do thất vọng vì đội nhà thua cuộc, các cổ động viên của đội Arema FC đã lao vào sân, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay để kiểm soát tình hình. Hậu quả đã làm 130 người thiệt mạng do đám đông giẫm đạp lên nhau. Đây được coi là một trong những thảm họa sân vận động tồi tệ nhất thế giới. Bộ trưởng an ninh nước này cho biết số lượng khán giả vượt quá sức chứa của sân vận động khoảng 4.000 người.

Có thể nói, điểm chung của các vụ thảm họa này đều do tập trung quá đông người, lối di chuyển quá hẹp khiến nhiều người bị mắc kẹt, chèn ép, dẫn đến ngạt thở. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn đám đông khiến nhiều người xô đẩy, chen lấn, dẫm đạp để thoát ra ngoài nhưng những hành động đó lại càng làm đám đông mắc kẹt, hỗn loạn và điều gì đến cũng đã đến.

Phải nhắc lại những bài học đau thương vẫn còn nóng hổi ấy, để gióng lên hồi chuông cảnh báo khi Việt Nam chúng ta – một đất nước có hơn 8.000 lễ hội chính thức và vô số những lễ hội ngoại lai, sản phẩm văn hóa có nguồn gốc từ nước ngoài có yếu tố tập trung đông người vẫn thường xuyên diễn ra, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến rất gần, mùa lễ hội đã sắp bắt đầu. 

Nhìn vào thực tế những năm trước đây, các lễ hội tập trung đông người tại nước ta không hiếm, thậm chí còn nhiều. Đó là lễ hội Đền Hùng, lễ hội chùa Hương, lễ hội Bà Chúa Kho, lễ hội cướp phết Hiền Quang, lễ hội chợ Viềng, lễ hội đền Gióng… Những hình ảnh quen thuộc với cảnh người người, nhà nhà chen chân đi lễ chùa, du xuân đầu năm. Tại những khu di tích, danh thắng từ khắp trong Nam ngoài Bắc, đâu đâu cũng là cảnh người đông như nêm cối....

Chúng ta chỉ cần tưởng tượng, tại các lễ hội tập trung đông người nêu trên, chẳng may có một sự cố xảy ra như cháy nổ, đánh nhau, một vài thành phần quá khích… thì rất có thể, đám đông sẽ hỗn loạn, rồi mọi người tranh nhau tìm cách thoát thân và chúng ta không thể tưởng tượng và lường trước được những việc gì sẽ diễn ra tiếp theo. Và trong thực tế những năm trước kia, tham gia một số các lễ hội, đã có rất nhiều người phải chen lấn, xô đẩy và từng bị ngất lim, bầm tím hoặc xước xát chân tay…

Chính vì thế, theo các chuyên gia, khi tổ chức sự kiện, lễ hội, Ban Tổ chức cần làm việc chuyên nghiệp và phải có sự tham gia của rất nhiều cơ quan, đơn vị, ban ngành hay các tổ chức. Cần phải có đơn vị chịu trách nhiệm để tạo ra sự phối hợp với tất cả các bên. Việc tổ chức lễ hội, sự kiện không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà nó liên quan đến cả giao thông vận tải, y tế, điện lực và an ninh… Đồng thời áp dụng các quy trình kiểm soát đám đông mang tính đón đầu, đủ khả năng phát hiện nhanh chóng và ngăn chặn hiện tượng đám đông đè ép do mật độ tập trung người quá cao. Cần phải có kế hoạch và bộ phận giám sát đến từng người trong đám đông để có thể điều phối trước khi nó trở nên hỗn loạn.

Mặt khác, các cơ quan chức năng khi tổ chức phải nhìn nhận được vấn đề là nếu sự kiện ngày càng trở nên đông đúc thì cần ngăn không cho mọi người vào những không gian đó. Các cơ quan chức năng cần có nhiều phương án khác nhau ở những nơi hoặc sự kiện có nhiều người tụ tập.

Nhưng để làm được điều này, trước tiên, mỗi người cần có kiến thức về mật độ đám đông và nguy cơ phát triển như thế nào trong những môi trường này. Việc cần thiết đầu tiên khi đến khu vực có đám đông là mỗi người cần quan sát, đánh giá sự an toàn, lưu ý tất cả các lối thoát ở địa điểm gần đó để chẳng may có sự cố chúng ta sẽ nhanh chóng thoát khỏi nguy hiểm khi đã biết lối thoát nằm ở đâu.

Theo các chuyên gia đám đông, trường hợp đang ở trong đám đông nguy hiểm, thì cần phải nắm được một số nguyên tắc căn bản, để bảo vệ bản thân mình an toàn. Đó là không di chuyển ngược chiều đám đông bởi rất dễ bị xô ngã xuống đất, khi đó sẽ bị giẫm đạp và có thể bị chấn thương nguy hiểm. Không nên mang theo trẻ em đến các sự kiện tụ tập đông người… Thậm chí hãy nhận biết bầu không khí chung của sự kiện, cảnh hỗn loạn thường có thể được dự báo trước. Do đó, nếu bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nên xem xét rời khỏi đó.

Và để ngăn được những sự cố như những thảm kịch đã nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên đưa vấn đề này vào môi trường học đường để chẳng may có xảy ra sự cố mỗi người sẽ có được sự bình tĩnh cần thiết, nắm được những nguyên tắc căn bản để giữ mạng sống cho chính mình…

Mong rằng, mỗi người dân hãy “trông người mà ngẫm đến ta”, biết sợ trước cảnh chết chóc, bi thảm như ở nước bạn để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính mình, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực